Vụ cháu T.T.V mới 14 tháng tuổi tử vong do nghi ngờ bị té và ngạt nước trong lúc đi vệ sinh tại trường Mầm non Tư thục Tuổi Ngọc ở thị trấn Dĩ An (huyện Dĩ An) đang để lại nhiều bức xúc cho dư luận. Đó là sự tắc trách khi trông coi trẻ của bảo mẫu cũng như sự thiếu trách nhiệm quản lý, chấn chỉnh kịp thời của ngành giáo dục - đào tạo lẫn chính quyền địa phương vì ngôi trường cháu V. được gửi đã hoạt động không phép từ nhiều năm qua. Nhưng, xâu chuỗi của 2 tồn tại trên là gì?
Đáp ứng sự phát triển nhanh về kinh tế, thời gian qua Bình Dương đã thu hút khá đông lượng lao động từ khắp mọi miền Tổ quốc. Cùng với đó, số lượng các cháu là con, em lao động nhập cư cũng không ngừng tăng lên. Cùng với nhà ở thì đây là áp lực lớn cho địa phương, bởi tuy số lượng các trường mầm non, nhà giữ trẻ tư nhân có tăng theo chủ trương xã hội hóa giáo dục nhưng vẫn chưa đáp ứng kịp mức độ gia tăng trẻ em và điều quan trọng nữa là chất lượng chưa bảo đảm, còn gây nhiều lo lắng cho phụ huynh và xã hội.
Theo báo cáo của Bộ Giáo dục - Đào tạo, hiện nay cả nước có đến trên 41% số trường mầm non tư thục và 57% số nhóm lớp hoạt động không phép. Hầu như lần đi khảo sát, kiểm tra nào của cơ quan chức năng, đại biểu HĐND... cũng phát hiện các cơ sở mầm non không phép, không bảo đảm chất lượng, không đạt chuẩn, cá biệt có những điểm khảo sát 2 - 3 lần cũng vẫn thấy vi phạm, thiếu sót giống như lần trước vì không được chấn chỉnh đến nơi đến chốn. Hầu hết đều rơi vào các điểm giữ trẻ tư thục quy mô nhỏ. Nguyên nhân cũng có phần do cơ quan quản lý xử lý “nhẹ nhàng” để giải quyết bớt áp lực về nuôi giữ trẻ cho số lượng lớn phụ huynh là lao động trong lẫn ngoài tỉnh đang làm việc tại địa phương. Đây là một thực tế, bởi các cơ sở mầm non uy tín, chất lượng cao thì đa số thu phí nhiều, trong khi các cơ sở nhỏ có ưu điểm là thu tiền rẻ, có nơi chỉ bằng 1/2 hoặc thậm chí 1/3 so với các trường lớn. Với mức chênh lệch này và điều kiện thu nhập ít ỏi, đương nhiên công nhân (vốn chiếm số lượng lớn tại các địa bàn có đông dân nhập cư) phải chọn giải pháp gửi con vào nhà trẻ “ọp ẹp” một chút nhưng hợp túi tiền. Mà, như đã nói trên, các trường ọp ẹp, thiếu chuẩn, không phép lại thu phí thấp, muốn có lợi nhuận thì phải tìm mọi cách hạ chi phí vốn đã ít ỏi, từ đó có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.
Chúng ta đang vận hành nền kinh tế thị trường, nhưng mà là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Điều đó có nghĩa, các hoạt động kinh tế sẽ tuân thủ theo quy luật, nhưng phải theo định hướng của Nhà nước và khi cần, Nhà nước phải ra tay can thiệp. Vấn đề giáo dục mầm non và nhà giữ trẻ cũng tương tự. Để lĩnh vực này hoạt động ngày càng nề nếp và phát triển đúng mục tiêu, Nhà nước phải quản lý chặt hơn, cương quyết hơn với những điểm, hiện tượng vi phạm, nhưng đồng thời cũng phải có giải pháp “bao sân” khi cần thiết để bảo đảm cho mọi trẻ em đều được nuôi giữ, học tập tại những cơ sở giáo dục an toàn, chất lượng. Có như vậy, phụ huynh mới yên tâm lao động và cống hiến.
L.M.TÙNG