Cảnh báo tình trạng lừa đảo qua điện thoại – Bài 3

Cập nhật: 28-03-2022 | 08:28:57

Bài 3: Người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác

Trong các số báo trước, chúng tôi đã phản ánh một số thủ đoạn phổ biến hiện nay của các đối tượng khi nhắm vào người nhẹ dạ, cả tin để lừa chiếm đoạt tài sản. Thủ đoạn tuy cũ nhưng nhiều người trở thành nạn nhân trước các thông tin rủ rê, mời gọi “làm giàu” một cách bất thường. Trong số báo này chúng tôi nêu lên một số thủ đoạn mới của tội phạm công nghệ cao để người dân cảnh giác.


Một đối tượng trong vụ lừa bán hàng qua điện thoại rồi chiếm đoạt hàng tỷ đồng bị công an bắt giữ. Ảnh: TÂM TRANG


Người dân cần cảnh giác trước các cuộc điện thoại rủ rê làm giàu một cách bất thường

Chiếm quyền kiểm soát tài khoản ngân hàng

Theo một điều tra viên Phòng An ninh mạng và tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05) Công an tỉnh, khi được trang bị thiết bị điện tử có tính năng như một trạm thu phát sóng di động, đối tượng sẽ “hack” vào hệ thống tin nhắn của ngân hàng để gửi đến các chủ thuê bao điện thoại thông điệp yêu cầu truy cập vào đường link đính kèm. Từ đó, chúng sẽ giả mạo tin nhắn của ngân hàng cùng nhiều chiêu thức mới để lừa, cho dù có người đã rất cảnh giác.

Lợi dụng việc khi mở tài khoản ngân hàng, khách hàng thường đăng ký số điện thoại di động cá nhân để thiết lập chế độ nhận thông báo từ ngân hàng khi tài khoản có biến động về số dư. Hàng ngày, mọi người vẫn nhận được các tin nhắn điện thoại như thế và hoàn toàn tin tưởng, không chút mảy may nghi ngờ. Nắm được đặc điểm này, thủ đoạn hack tin nhắn các ngân hàng đã xuất hiện. Các đối tượng gửi tin nhắn hàng loạt không nhằm vào nạn nhân cụ thể nào mà trông chờ vào sự bất cẩn của người dùng để có cơ hội chiếm quyền kiểm soát tài khoản ngân hàng nhằm chiếm đoạt tiền.

“Để thực hiện được thủ đoạn này, tội phạm cần đến thiết bị công nghệ hiện đại có tính năng như một trạm thu phát sóng di động (BTS), có thể can thiệp vào hệ thống tin nhắn liên lạc giữa ngân hàng và khách hàng nhằm chèn vào đó những tin nhắn giả mạo dưới tên của ngân hàng bất kỳ nơi khách mở tài khoản. Trong tin nhắn, chúng cài cắm các thông tin “giật gân”, hấp dẫn như thông báo trúng thưởng, hay nâng cấp hệ thống, nhất là báo tin tài khoản của khách hàng đang có dấu hiệu bị tấn công để tạo ra tâm lý sợ hãi… Nhưng dù với lý do gì thì cuối cùng vẫn là yêu cầu khách hàng truy cập vào đường link dẫn đến một website có giao diện giống như trang web chính thức của ngân hàng, chỉ khác một hoặc một số ký tự trên đường dẫn mà phải tinh mắt và để ý lắm mới nhận ra”, trung tá Hồ Thọ Hải, Phó trưởng Phòng PA05 Công an tỉnh, cho biết.

Khi làm theo yêu cầu và truy cập vào trang giả mạo, khách hàng sẽ khai thông tin đăng nhập, mật khẩu, mã OTP rồi bị chiếm đoạt quyền quản trị tài khoản ngân hàng ngay tức khắc. Sau đó, đối tượng sẽ thực hiện các giao dịch để chuyển toàn bộ số tiền đang có trong tài khoản của khách hàng. Thời điểm bọn tội phạm gửi đi các tin nhắn bằng thủ đoạn Brand name chủ yếu vào ban đêm, rạng sáng, ngày cuối tuần, hay dịp lễ, tết… Lý do chúng chọn các thời điểm này để người dùng không thể xác thực thông tin. Chỉ cần làm theo hướng dẫn của chúng là tiền trong tài khoản ngân hàng của người dùng sẽ bị chiếm đoạt hoàn toàn.

Giả làm nhân viên chăm sóc khách hàng

Ngoài trò lừa trên, thời gian gần đây các đối tượng còn chiếm đoạt sim của các chủ thuê bao bằng nhiều thủ đoạn tinh vi đến không ngờ, như: Giả làm nhân viên chăm sóc khách hàng của các nhà mạng, ngân hàng, ví điện tử để hỗ trợ giải quyết sự cố và yêu cầu khách hàng nhắn tin theo cú pháp mà chúng yêu cầu.

Theo báo cáo của Công an tỉnh, trong năm 2021 tội phạm công nghệ cao diễn biến phức tạp. Cơ quan công an đã phát hiện 40 vụ, 41 đối tượng, trong đó đã khởi tố 11 vụ, 6 bị can về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trong đó có nhiều vụ số tiền bị chiếm đoạt lên đến hàng tỷ đồng. Từ đầu năm 2022 đến nay, Công an tỉnh đã tiếp nhận 8 vụ tố giác tội phạm có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn tỉnh với hình thức lợi dụng mạng điện thoại, mạng viễn thông để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Qua điều tra ban đầu, Phòng PA05 đã làm rõ 2 vụ và phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh bắt giữ các đối tượng gây án.

“Đây thực chất là cú pháp chuyển hướng cuộc gọi dịch vụ của các nhà mạng cho phép thuê bao di động chuyển hướng cuộc gọi đến một số điện thoại nội mạng hoặc ngoại mạng. Sau khi người dùng gửi thành công tin nhắn đã soạn theo cú pháp trên, mọi cuộc gọi đến thuê bao của người dùng lập tức được chuyển tiếp đến số điện thoại mà đối tượng lừa đảo cung cấp, trong đó có cuộc gọi cung cấp mã xác thực (OTP) từ ngân hàng, ví điện tử và khởi đầu cho việc bị lừa đảo”, trung tá Hải cho biết thêm về thủ đoạn này.

Tương tự, các đối tượng còn giả danh nhân viên nhà mạng, hỗ trợ nâng cấp sim lên sim 4G, 5G. Theo đó đối tượng hướng dẫn nhắn tin theo cú pháp yêu cầu là cú pháp đổi sim điện thoại qua phôi sim trắng theo phương thức nhắn tin. Khi thao tác thành công, người dùng sẽ mất quyền kiểm soát sim. Tinh vi hơn, nhiều đối tượng còn “giở trò” ngay tại quầy dịch vụ chăm sóc khách hàng của các nhà mạng, trong lúc thực hiện nâng cấp hoặc cắt sim cho khách hàng, đối tượng đã “đánh trao sim”, tức cắt sim làm lại một sim điện thoại khác cho khách hàng. Lúc này sim của đối tượng lừa đảo trở thành sim “chính chủ”, giúp chúng dễ dàng chiếm đoạt tài khoản ngân hàng, ví điện tử của nạn nhân bằng cách đăng nhập và chọn tính năng “Quên mật khẩu”.

Theo đại diện Công an tỉnh, hình thức lừa đảo này xuất hiện nhiều ở các tỉnh, thành khác. Ghi nhận trên địa bàn tỉnh Bình Dương chưa xảy ra những vụ lừa đảo với phương thức này, nhưng không vì thế mà người dân không nâng cao tinh thần cảnh giác.

Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền

Tại hội nghị triển khai công tác năm 2022 và tổng kết năm 2021 của Ban Chỉ đạo 138 tỉnh vào cuối tuần qua, một lần nữa vấn đề tội phạm công nghệ cao được nhiều đại biểu nhắc tới. Đại tá Trịnh Ngọc Quyên, Giám đốc Công an tỉnh, cho rằng hiện nay phổ biến nhất là thủ đọan giả danh cơ quan tư pháp, như: Công an, viện kiểm sát, tòa án gọi điện cho người dân để hù dọa buộc chuyển tiền vào tài khoản cho sẵn, sau đó chiếm đoạt; hành vi tấn công mạng để chiếm đoạt tài sản; giả mạo cán bộ ngân hàng yêu cầu khách hàng cung cấp mã pin, OTP… “Các phương thức thủ đoạn tương đối mới, chủ yếu đánh vào tâm lý của người dùng điện thoại, mạng xã hội nhiều. Với sự tác động của đại dịch Covid-19 nên việc lao động, học tập diễn ra nhiều trên không gian mạng càng tạo điều kiện cho tình hình tội phạm này hoạt động”, báo cáo của BCĐ 138 nhận định.

Trong phần tham luận tại hội nghị, đại diện BCĐ 138 TP.Thuận An cho biết thực trạng lừa đảo qua mạng hiện đang rất nóng ở địa phương. Nạn nhân của chiêu lừa này phần lớn là công nhân. Có người bị lừa vài trăm ngàn đồng, có người bị lừa hàng chục triệu đồng. Trong khi đó đại tá Trần Văn Chính, Phó Giám đốc Công an tỉnh, cho biết thời gian qua các cơ quan chức năng đã nỗ lực trong việc tiếp nhận thông tin tố giác tội phạm, xác minh và xử lý hàng loạt vụ việc liên quan đến lừa đảo qua mạng xã hội. Tuy nhiên nhiều người vẫn trở thành nạn nhân, thậm chí có người là cán bộ cũng bị lừa chiếm đoạt tiền. “Vì vậy ngoài vai trò của cơ quan chức năng trong việc thực hiện các biện pháp nghiệp vụ thì công tác tuyên truyền cần được đẩy mạnh hơn nữa; tiếp tục tuyên truyền các phương thức, thủ đoạn của đối tượng để người dân nâng cao tinh thần cảnh giác trước loại tội phạm này”, đại tá Trần Văn Chính nêu quan điểm.

T.TRANG - T.PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1438
Quay lên trên