Chậm còn hơn không!

Cập nhật: 04-12-2010 | 00:00:00

Từ sự kiện cháu Hồ Thị Thúy Ngân (3 tuổi) bị bảo mẫu Trần Thị Phụng hành hạ được phơi bày thông qua clip được phát tán rộng rãi trên mạng đã nhắc nhở chúng ta, các bậc làm cha làm mẹ, cần lưu ý khi chọn nơi gửi gắm con em mình. Với những người có điều kiện thì đó là việc không quá khó, nhưng với lao động (LĐ) nhập cư tìm được nơi gửi gắm con em vừa ý là điều quá khó! Nguyên nhân là do trường học thiếu, nơi gửi trẻ thiếu; trong khi số con em LĐ nhập cư đến tuổi đi nhà trẻ, mẫu giáo đang tăng nhanh. Nói cách khác là giữa phát triển kinh tế và chăm lo cho LĐ đang có “độ vênh” khá lớn, rất cần sự quan tâm đúng mức của chính quyền địa phương và của toàn xã hội.

Theo thống kê thì số LĐ nhập cư đang sinh sống và làm việc tại Bình Dương tính đến thời điểm này vào khoảng 700.000 người, hơn 60% trong số đó là LĐ nữ. Chỉ tính riêng tại xã Thuận Giao, nơi xảy ra vụ bảo mẫu hành hạ cháu Ngân, toàn xã hiện có khoảng 80.000 LĐ nhập cư sinh sống. Mặc dù chưa có con số thống kê đầy đủ có bao nhiêu cặp vợ chồng LĐ nhập cư trẻ có con đến tuổi đi học, nhưng dễ dàng nhận ra một điều rằng tất cả các cơ sở giáo dục mầm non công lập lẫn tư thục trên địa bàn xã Thuận Giao nhiều năm qua luôn trong tình trạng quá tải. Vấn đề nhà trẻ, trường học dành cho con em người LĐ sẽ ngày càng “nóng” hơn, bởi số LĐ nữ kết hôn, có con ngày càng nhiều, trong khi các điểm giữ trẻ công lập không đáp ứng được nhu cầu.

Không chỉ riêng Bình Dương mà đây là vấn đề cần được tháo gỡ của nhiều địa phương có nền công nghiệp phát triển. Khi xây dựng các KCX - KCN, chủ đầu tư chú trọng nhiều đến vấn đề đất xây dựng hạ tầng, đất xây dựng nhà xưởng phục vụ sản xuất, mà chưa chú ý dành đất để xây dựng các công trình phục vụ “hậu” thu hút đầu tư là nhà trẻ, trường học, nhà ở, công trình vui chơi phục vụ người LĐ... Do thiếu các công trình này mới dẫn đến tình trạng nhà trẻ tư nhân phát sinh, bảo mẫu hành hạ các cháu...

Trả lời báo chí, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai, cho rằng theo quy định của pháp luật hiện hành, các KCX - KCN phải tổ chức nơi giữ trẻ cho công nhân. Tuy nhiên, hầu hết các KCX - KCN chỉ lo xây dựng nhà máy để sớm thu hồi vốn, có lãi mà bỏ quên việc xây dựng nhà trẻ. Việc không còn quỹ đất để làm nhà trẻ, cùng với chi phí vận hành các điểm giữ trẻ lớn nên nhiều doanh nghiệp không mặn mà. Đây cũng là vấn đề được nhiều đại biểu HĐND tỉnh quan tâm. Kết hợp các số liệu nêu trên với kết quả đợt giám sát mới đây, chắc chắn trong phiên họp HĐND tỉnh lần thứ 18 khóa VII sắp tới, các đại biểu HĐND tỉnh sẽ đưa vấn đề này lên bàn nghị sự, nhằm tìm ra giải pháp giải quyết vấn đề một cách căn cơ.

Thiết nghĩ, bất kỳ một quốc gia, một địa phương nào muốn phát triển cũng đều coi trọng yếu tố con người. Không quan tâm vấn đề LĐ đồng nghĩa với việc phát triển thiếu bền vững. Vấn đề nhà trẻ, trường học dành cho con em người LĐ tuy được đặt ra có chậm nhưng có còn hơn không.

LÊ QUANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=413
Quay lên trên