Trong thời gian qua, nhiều tỉnh, thành, ngành giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) đã ban hành nhiều quy định và triển khai nhiều giải pháp để chấn chỉnh dạy thêm, học thêm (DT-HT).
Dẫu vậy, tình trạng này vẫn còn xảy ra, đặc biệt là ở cấp tiểu học, tạo áp lực cho phụ huynh, học sinh (HS), gây bức xúc cho xã hội. Từ thực trạng này, Bộ GD-ĐT vừa ban hành Chỉ thị số 5101/ CT-BGD-ĐT chấn chỉnh tình trạng DT-HT đối với giáo dục tiểu học.
Ở bậc tiểu học, những năm gần đây, ngành GD-ĐT đã triển khai dạy 2 buổi/ngày nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Buổi sáng, HS học chương trình chính khóa; buổi chiều, giáo viên củng cố kiến thức cho các em. Như vậy, HS đã học quá đủ, không cần phải đi học thêm. Nhưng vì nhiều lý do khác nhau, có nơi HS học 2 buổi/ngày vẫn phải đi HT. Để chấn chỉnh tình trạng trên, Chỉ thị 5101 quy định, đối với các trường và lớp dạy 2 buổi/ngày, giáo viên hướng dẫn HS hoàn thành nội dung ngay tại lớp, nghiêm cấm giao bài tập về nhà cho HS. Đối với trường và lớp học 1 buổi/ngày, chỉ giao bài tập về nhà tối đa bằng số lượng bài tập của HS học 2 buổi/ngày, không giao bài tập ngoài sách giáo khoa.
Ngoài chỉ thị trên, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT còn đề nghị các Sở GD-ĐT tuyên truyền, giải thích để nhân dân, đặc biệt là cha mẹ HS nắm vững các quy định của ngành về DT-HT và đổi mới đánh giá HS tiểu học để tạo sự đồng thuận và phối hợp tốt giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc đấu tranh chống tiêu cực và triển khai đổi mới ở bậc học tiểu học. Việc thực hiện Thông tư 30 của Bộ GD-ĐT về thay đổi cách đánh giá HS tiểu học từ điểm số sang nhận xét cũng là cách để giảm áp lực cho HS, phụ huynh, giảm bệnh thành tích và nhất là không còn tình trạng DT-HT.
Thực ra, việc DT-HT không phải là xấu. Giáo viên dạy thêm là để củng cố kiến thức cho HS yếu và bồi dưỡng, nâng cao kiến thức cho những HS khá giỏi. Nhưng ở đây, cả phụ huynh và giáo viên đã lạm dụng tình trạng DT-HT, phụ huynh muốn cho con học thêm vì không muốn con thua kém những HS khác, giáo viên ép HS học thêm thu nhập. Vì vậy thời gian qua đã xảy ra tình trạng DT-HT tràn lan. Nhiều HS học thêm rất nhiều môn, dẫn đến căng thẳng, mệt mỏi. Chưa kể, mặt trái của việc DT-HT cũng xuất hiện ngày càng nhiều và tinh vi hơn. Chẳng hạn, có giáo viên ra đề bài kiểm tra y chang với bài tập mà cô đã dạy cho những học trò đi học thêm. Như vậy, những em có đi học thêm hôm đó chắc chắn sẽ được thuận lợi hơn khi làm bài…
Ai cũng mong con em mình học giỏi. Tuy nhiên, thực tế chứng minh, học giỏi không hẳn là nhờ học thêm mà còn nhiều yếu tố quan trọng khác nữa như khả năng tiếp thu, sắp xếp việc học tập có khoa học, hợp lý. Đặc biệt, với trẻ ở bậc tiểu học việc học gắn liền với giải trí vui chơi, nên học thêm tràn lan sẽ làm cho trẻ bị “hành xác”, khả năng tiếp thu bị hạn chế. Vì thế, với chỉ thị mới của Bộ GD-ĐT, hy vọng tình trạng DT-HT tràn lan sẽ được chấn chỉnh triệt để. Từ đó, chất lượng giáo dục sẽ được cải thiện và tạo được sự đồng thuận trong xã hội.
DÂN THƯỜNG