Chân dung Tổng Bí thư qua các thời kỳ - Bài 4

Cập nhật: 11-01-2016 | 08:31:45

Bài 4: Nguyễn Văn Cừ - Nhà lý luận mác-xít sáng tạo

29 tuổi đời, 13 năm hoạt động cách mạng, trong đó 7 năm bị giam cầm trong nhà tù đế quốc, 2 năm làm Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã cống hiến xuất sắc trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam. Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Văn Cừ gắn liền với một thời kỳ cách mạng đầy khó khăn nhưng vô cùng oanh liệt của Đảng ta, nhân dân ta.

 Chân dung đồng chí Nguyễn Văn Cừ

Đồng chí Nguyễn Văn Cừ sinh ngày 9-7-1912, trong một gia đình nhà nho nghèo, yêu nước ở làng Phù Khê, tổng Nghĩa Lập, phủ Từ Sơn, nay là xã Phù Khê, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, là hậu duệ đời thứ 17 của Anh hùng dân tộc, đại thi hào Nguyễn Trãi. Kế thừa truyền thống yêu nước, hiếu học của dòng họ, lớn lên trên mảnh đất “địa linh nhân kiệt” của xứ Kinh Bắc, ngay từ nhỏ, Nguyễn Văn Cừ đã thể hiện tư chất thông minh và bản lĩnh kiên cường, bất khuất.

Năm 1927, sau khi học xong trường Kiêm bị Pháp - Việt ở Bắc Ninh, được một người họ hàng đỡ đầu, Nguyễn Văn Cừ thi vào trường Bảo hộ, còn gọi là trường Bưởi. Tại đây, Nguyễn Văn Cừ đã giác ngộ cách mạng và được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên vào đầu năm 1928. Do hoạt động chống đối, đả kích bọn giám thị nhà trường, Nguyễn Văn Cừ bị mật thám bắt giam 5 ngày, thẩm vấn liên tục và bị nhà trường đuổi học. Về quê, Nguyễn Văn Cừ tiếp tục hoạt động cách mạng, bắt nối liên lạc với các đồng chí trong Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, xây dựng cơ sở cách mạng. Bị địch bắt lần thứ hai, giam giữ 12 ngày rồi được trả tự do. Theo quyết định của Tỉnh bộ Thanh niên Bắc Ninh, đồng chí đã đi “vô sản hóa” ở vùng mỏ Hòn Gai để thâm nhập thực tiễn và giác ngộ công nhân đấu tranh.

Ngày 17-6-1929, hội nghị thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng được triệu tập. Hội nghị quyết định tuyển lựa những người tiên tiến nhất, tích cực nhất của thanh niên để kết nạp vào Đảng. Sau hội nghị, Nguyễn Văn Cừ được công nhận là đảng viên cộng sản. Năm 1930, đồng chí Nguyễn Văn Cừ thành lập chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam ở mỏ Mạo Khê - chi bộ Đảng đầu tiên của Đảng ta ở vùng mỏ Quảng Ninh. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí, các chi bộ Đảng như Uông Bí, Vàng Danh, Hòn Gai, Cẩm Phả, Cửa Ông lần lượt ra đời. Giữa lúc phong trào cách mạng ở vùng mỏ đang phát triển mạnh, ngày 15-2-1931, Nguyễn Văn Cừ bị bắt lần thứ ba và bị Hội đồng đề hình Hà Nội kết án chung thân, đày ra Côn Đảo.

 Cuốn “Tự chỉ trích” do đồng chí Nguyễn Văn Cừ biên soạn sau cuộc tổng tuyển cử Hội đồng quản hạt ở Nam kỳ, năm 1939

Sau gần 6 năm bị cầm tù, cùng với nhiều tù chính trị khác, Nguyễn Văn Cừ được ân xá, theo sắc lệnh ngày 29-9-1936 của Tổng thống Pháp. Tháng 11- 1936, đồng chí được trả tự do, nhưng phải về sống và chịu sự quản thúc của chính quyền thực dân nơi cư trú. Bất chấp lệnh quản thúc của chính quyền thực dân, về quê được vài ngày, đồng chí lại ra Hà Nội tiếp tục hoạt động. Đầu năm 1938, Nguyễn Văn Cừ bí mật vào Sài Gòn dự hội nghị Trung ương và được hội nghị bầu làm Tổng Bí thư của Đảng.

Trên cương vị là người lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nguyễn Văn Cừ đã lặn lội ra Bắc vào Nam, vượt qua sự truy lùng gắt gao của địch, có mặt ở những nơi sóng gió, chỉ đạo sát sao các cuộc đấu tranh, kịp thời uốn nắn những lệch lạc, đưa phong trào cách mạng phát triển đúng hướng. Tháng 9-1939, Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, thực dân Pháp tăng cường đàn áp Đảng Cộng sản và phong trào cách mạng Đông Dương. Trước sự biến chuyển nhanh chóng của thời cuộc, tháng 11- 1939, Nguyễn Văn Cừ đã triệu tập và chủ trì hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 6, trong đó xác định: Để tập trung mọi lực lượng của dân tộc vào chống đế quốc và ách thống trị của phát xít thuộc địa, Đảng sẽ tiến hành thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương thay cho Mặt trận dân chủ không còn thích hợp nữa; phương pháp cách mạng cũng chuyển từ đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ sang đấu tranh trực tiếp đánh đổ chính quyền của đế quốc và tay sai; từ hoạt động hợp pháp và nửa hợp pháp sang hoạt động bí mật và không hợp pháp, chuẩn bị điều kiện để tiến tới khởi nghĩa vũ trang. Trên cơ sở phân tích tình hình và dự báo chính xác triển vọng cách mạng, Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 6 chỉ rõ: “Bước đường sinh tồn của các dân tộc Đông Dương không còn có con đường nào khác hơn là con đường đánh đổ đế quốc Pháp, chống tất cả ách ngoại xâm, vô luận da trắng hay da vàng để giành lấy giải phóng, độc lập. Đế quốc Pháp còn, dân chúng Đông Dương chết. Đế quốc Pháp chết, dân chúng Đông Dương còn”. “Đảng ta phải thay đổi chính sách. Mặt trận dân chủ thích hợp với hoàn cảnh trước kia, ngày nay không còn thích hợp nữa. Ngày nay phải thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương” để tranh đấu chống đế quốc chiến tranh, đánh đổ đế quốc Pháp và bọn phong kiến thối nát, giải phóng các dân tộc Đông Dương làm cho Đông Dương hoàn toàn độc lập”.

 Chủ trương chuyển hướng chiến lược đầy tài năng và sáng tạo của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ tại Hội nghị Trung ương 6 (tháng 11-1939) vạch ra, thể hiện bản lĩnh, tài năng, trí tuệ và tầm nhìn chiến lược chính xác, đã tạo bước ngoặt lịch sử quan trọng đối với cách mạng Việt Nam và đã được Hội nghị Trung ương 7 (tháng 11-1940) và nhất là Hội nghị Trung ương 8 (tháng 5-1941) kế thừa, bổ sung và phát triển lên một bước mới, đưa tới thắng lợi lịch sử của Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Hội nghị Trung ương lần thứ 6 quyết định thay đổi một số khẩu hiệu, chuyển hướng hình thức tổ chức và đấu tranh, tạm gác khẩu hiệu tịch thu ruộng đất của giai cấp địa chủ, chỉ chủ trương tịch thu ruộng đất của đế quốc và tay sai, thay khẩu hiệu “Lập xô viết công - nông - binh” bằng “Lập chính phủ cộng hòa dân chủ”. Cùng với lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế, hội nghị chủ trương lập công hội, nông hội, thanh niên phản đế, phụ nữ phản đế, nhấn mạnh chuyển sang hoạt động bí mật, bất hợp pháp là chính, kết hợp khôn khéo và lợi dụng nhiều hình thức biến tướng, công khai và bán công khai để tập hợp rộng rãi số quần chúng chậm tiến và che đậy cho những hình thức bí mật, tất cả nhằm “dự bị những điều kiện bước tới bạo động làm cách mệnh giải phóng dân tộc”. Về xây dựng Đảng, hội nghị đặc biệt nhấn mạnh: “Trong thời giờ nghiêm trọng này, trong lúc phong trào cách mệnh đương sắp phát triển hết sức to rộng và sắp bước vào thời kỳ quyết liệt thì Đảng ta nhất định phải thống nhất ý chí lại thành một ý chí duy nhất, một mà thôi”.

Đến nay, khi nhìn lại những diễn biến lịch sử, chúng ta càng khâm phục quyết định chuyển hướng chiến lược và thay đổi phương pháp cách mạng của Đảng ta tại Hội nghị Trung ương 6 là hết sức sáng suốt, thể hiện tư duy chính trị nhạy bén, năng lực sáng tạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng mà đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ. Nhờ có sự chỉ đạo kịp thời của Đảng, phong trào cách mạng Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ theo chiều hướng mới, lực lượng cách mạng cũng tránh được tổn thất lớn khi kẻ địch trở mặt đàn áp, góp phần đưa đến thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 lịch sử.

Ngày 17-1-1940, Nguyễn Văn Cừ bị địch bắt tại Sài Gòn. Tại phiên tòa ngày 25-3-1941, đồng chí bị địch kết án tử hình với tội danh “chủ trương bạo động” đe dọa quyền lợi của “mẫu quốc” ở Đông Dương, “chịu trách nhiệm tinh thần” về cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. Ngày 26-8-1941, cùng với một số đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nguyễn Văn Cừ đã bị thực dân Pháp đem đi xử bắn tại Hóc Môn (Gia Định). Đồng chí Nguyễn Văn Cừ là một nhà lãnh đạo xuất sắc, một nhà lý luận mác-xít sáng tạo của Đảng và cách mạng Việt Nam. Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí là một tấm gương sáng chói về đạo đức cách mạng, chí công vô tư, “tự chỉ trích” trên tinh thần cộng sản cao cả. Cùng với nhiều đảng viên cộng sản kiên trung, đồng chí đã biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng, tự trang bị cho mình lý luận Mác - Lênin, trưởng thành cả về bản lĩnh chính trị, phẩm chất và trí tuệ.

P.V (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1442
Quay lên trên