Bài 9: Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu: Nhiệt huyết, trung thành với lý tưởng cách mạng
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu là một cán bộ đã từng kinh qua nhiều cương vị công tác, nhất là được tôi luyện, trưởng thành trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và làm nghĩa vụ quốc tế cao cả, cũng như trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Dù ở cương vị công tác nào, đồng chí Lê Khả Phiêu cũng luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân; kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng; giữ gìn phẩm chất đạo đức cách mạng của người đảng viên Cộng sản, không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Chân dung Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu |
Đồng chí Lê Khả Phiêu, sinh ngày 27-12-1931 tại xã Đông Khê, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa, một vùng quê giàu truyền thống yêu nước. Đồng chí đã sớm giác ngộ cách mạng, tích cực tham gia phong trào ở địa phương. Đồng chí được kết nạp vào Đảng ngày 19-6-1949, khi mới 18 tuổi. Năm 1950, đồng chí được điều động vào quân đội và đứng trong quân ngũ gần 50 năm, trực tiếp cầm súng đánh giặc khắp các chiến trường Bắc - Trung - Nam và làm nhiệm vụ quốc tế.
Từ một người lính, được tôi luyện qua những năm tháng khốc liệt của chiến tranh, đồng chí đã trở thành một cán bộ chính trị - quân sự dày dạn trận mạc, từng giữ nhiều trọng trách trong quân đội. Từ năm 1954 đến năm 1967, đồng chí đã giữ các chức vụ Phó Chính trị viên, Chính trị viên tiểu đoàn rồi Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 66, Phó Trưởng ban, Trưởng ban Tổ chức cán bộ Sư đoàn 304, sau đó là Phó Chính ủy, Chính ủy kiêm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 9 Sư đoàn 304.
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, đồng chí đã chỉ huy Trung đoàn 9 Sư đoàn 304 tiến công làm chủ cố đô Huế và chốt giữ thành cổ suốt 26 ngày. Sau cuộc tổng tiến công và nổi dậy, đồng chí được đề bạt làm Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu Trị Thiên. Năm 1974, đồng chí được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Chính trị Quân đoàn 2. Năm 1978, đồng chí được điều động về làm Phó Bí thư Quân khu ủy, rồi Phó Chính ủy kiêm Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 9.
Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và giúp nhân dân Campuchia khỏi thảm họa diệt chủng, đồng chí được cử chỉ huy một đơn vị Quân tình nguyện Việt Nam. Những năm chiến đấu giúp bạn bảo vệ thành quả cách mạng, đồng chí lần lượt đảm đương chức Chủ nhiệm Chính trị rồi Phó Tư lệnh Chính trị Quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia.
Đồng chí được phong Thiếu tướng năm 1984, Trung tướng năm 1988 và Thượng tướng năm 1992. Năm 1988, đồng chí được cử làm Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị và từ năm 1991 làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.
Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu (giữa) thăm Công ty TNHH Gốm sứ cao cấp Minh Long I Ảnh: DUY HIỀN
Tháng 6-1991, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và tháng 6-1992 được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Ban Bí thư Trung ương Đảng. Tại Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa VII cuối năm 1993 đầu năm 1994, đồng chí được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị. Đồng chí tiếp tục được Đại hội VIII (6-1996) bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, được Trung ương bầu vào Bộ Chính trị, làm Thường trực Bộ Chính trị. Ngày 26-12-1997, tại Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII, đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng thay đồng chí Đỗ Mười. Đồng chí là đại biểu Quốc hội các khóa IX, X.
Là một cán bộ đã từng kinh qua nhiều cương vị công tác, nhất là được tôi luyện, trưởng thành trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và làm nghĩa vụ quốc tế cao cả, cũng như trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, dù ở cương vị công tác nào, đồng chí Lê Khả Phiêu cũng luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân; kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng; giữ gìn phẩm chất đạo đức cách mạng của người đảng viên Cộng sản, không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Trên cương vị là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Lê Khả Phiêu đã cùng tập thể Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đạt được nhiều thành tựu to lớn trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. |
Trong suốt quá trình gắn bó với nhiệm vụ của một chính trị viên các cấp từ đại đội, tiểu đoàn, chính ủy trung đoàn… đến Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, đặc biệt trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, cũng như hiện nay, đồng chí luôn dành tâm huyết cho công tác xây dựng Đảng, đặc biệt là về công tác chính trị, tư tưởng và tổ chức. Đồng chí nhấn mạnh, công tác tư tưởng - tổ chức giai đoạn nào cũng quan trọng, nhất là trong giai đoạn hiện nay. Đồng chí cho rằng, trước yêu cầu của công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, Đảng, Nhà nước cần coi trọng hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nhằm bảo đảm có đội ngũ cán bộ kế tiếp vừa vững vàng về chính trị, tư tưởng, vừa có đủ đức, đủ tài để hoàn thành trọng trách trong tình hình mới.
Đồng thời, mỗi tổ chức Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên cũng phải quyết tâm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao sức chiến đấu và vai trò lãnh đạo của Đảng, nâng cao hơn nữa uy tín và thanh danh của Đảng. Mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân luôn cần được chăm lo, bồi đắp, làm sao để với những công việc quan trọng của đất nước ý Đảng và lòng dân luôn là một. Là người lãnh đạo cao nhất của Đảng, đồng chí Lê Khả Phiêu xác định: Để bảo đảm sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày càng phát triển vững chắc, đúng hướng… trên cơ sở nắm vững lập trường và phương pháp của chủ nghĩa Mác - Lênin, cần tiếp tục nghiên cứu quán triệt sâu sắc và phổ biến rộng rãi hơn nữa tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng một cách sáng tạo vào sự nghiệp đổi mới.
Toàn Đảng, toàn dân kiên định mục tiêu lý tưởng, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội mà Bác Hồ đã chọn. Và đồng chí nhấn mạnh: “Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là tư tưởng yêu nước và yêu chủ nghĩa xã hội, là biểu hiện cao đẹp của văn hiến Việt Nam, của bản chất xã hội chủ nghĩa. Học tập tư tưởng và đạo đức của Người chính là để củng cố và nâng cao tính giai cấp công nhân của đảng viên, lòng yêu nước và yêu chủ nghĩa xã hội của toàn dân tộc ta”.
Từ vị trí then chốt của công tác xây dựng Đảng, từ yêu cầu của thời kỳ mới, từ thực trạng của Đảng ta, Hội nghị Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII đã bàn và quyết định những nhiệm vụ cơ bản và cấp bách của công tác xây dựng Đảng. Trong diễn văn khai mạc Hội nghị quan trọng này, với tinh thần trách nhiệm rất cao trước Đảng và nhân dân, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã phân tích thực trạng của Đảng một cách đầy nhiệt huyết và sâu sắc.
Chính từ Hội nghị quan trọng này, Ban Chấp hành Trung ương đã có một quyết định đặc biệt quan trọng là phải tiến hành cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tự phê bình và phê bình. Cuộc vận động đã góp phần nâng cao tính Đảng, tính chiến đấu, ý thức tự giác trong tự phê bình và phê bình để công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đạt chất lượng cao.
Vào các dịp lễ, ngày kỷ niệm, những bài viết, bài nói của đồng chí Lê Khả Phiêu đều toát lên sự kiên định, nhiệt huyết và trung thành với mục tiêu lý tưởng. Là người lãnh đạo cao nhất của Đảng, đồng chí quan tâm đến nhiều giới, nhiều ngành và lĩnh vực, từ khoa học, giáo dục - đào tạo đến văn hóa, văn nghệ, báo chí, quân sự, ngoại giao, từ công tác xóa đói giảm nghèo đến việc giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng, từ người cao tuổi cho đến thanh thiếu niên, nhi đồng.
Ở diễn đàn nào cũng thấy toát lên từ đồng chí sự nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm. Đồng chí luôn luôn yêu cầu cán bộ lãnh đạo phải sát dân, gần dân, gắn bó với nhân dân và chính quyền cơ sở và bản thân đồng chí đã dành thời gian đi nhiều nơi, nhiều địa phương, đơn vị nắm bắt tình hình để có những quyết định kịp thời, đúng đắn.
P.V (tổng hợp)