Cháo mắc nhung là một trong những món ăn ngon, độc đáo ở Tây Bắc.
Cháo mắc nhung
Quả mắc nhung (có nơi gọi là cà đắng) có màu xanh, cùng họ với cà chua. Trái của nó chỉ nhỏ bằng hạt đu đủ, có vị đắng pha trộn với ngọt và cay. Cây mắc nhung mọc tự nhiên trên các nương rẫy hoặc vách đá dọc các bìa rừng, khi quả chín rụng xuống và phát triển thành cây non, mọc thành từng đám, leo quanh các thân cây, hoặc bò lan dưới mặt đất, càng chỗ đất ẩm gốc hoặc thân cây càng to, thì càng sai quả. Loại cây này rất phổ biến ở Sơn La.
Sau mùa gặt, quả mắc nhung trên nương bắt đầu chín mọng, bà con hái đem về rửa sạch, thêm gừng xả, trộn với gạo tấm, tưới ít nước đủ chín, túm vào lá chuối buộc chặt vùi trong tro bếp nóng, hoặc đồ xôi, chỉ sau 30 phút sẽ có ngay một món ăn sền sệt, ngăm ngăm đắng, thơm cay là lạ đầy hấp dẫn và chấm với xôi rất hợp khẩu vị.
Quả mắc nhung.
Khi chế biến thành món ăn, mắc nhung có vị ngăm ngăm đắng, nhưng bùi, thơm ngậy, đậm đà. Phổ biến và hấp dẫn nhất là món cháo mắc nhung. Muốn có một bát cháo mắc nhung thơm ngon, trước hết phải chọn được mớ quả tươi, nhặt bỏ cuống, rửa sạch để ráo nước. Khi chế biến, cho chút dầu vào chảo nóng rồi cho thịt băm vào đảo đều tay, đến khi thịt vàng ươm, dùng bột gạo nếp dẻo pha với lượng nước vừa đủ, khuấy đều rồi đổ chung vào nồi nấu, thêm gia vị, bột nêm, nước mắm, gừng, hạt tiêu, rồi cho quả mắc nhung vào đảo. Khi nồi cháo sôi, mùi thơm phức là chín.
Mùi cháo thơm nồng hấp dẫn, cùng với vị ngăm ngăm đắng của quả mắc nhung khiến người ăn nao lòng. Món ăn thật sự mang hương vị đặc trưng, riêng có của người dân vùng núi Tây Bắc.
Ngày nay, cháo mắc nhung dần đã trở thành một món ăn được nhiều người ưa chuộng. Nhiều người thích món cháo này không chỉ bởi giá trị ẩm thực độc đáo mà còn nhờ bàn tay khéo léo, cẩn thận của người chế biến. Ngoài quả, ngọn non và lá mắc nhung già phơi khô cũng dùng để chế biến các món canh, hoặc nấu cháo ăn khá ngon. Hương vị của những món ăn từ mắc nhung thật độc đáo và khó quên.
Ăn cháo mắc nhung có nhiều lợi ích như: kích thích sự thèm ăn, mát gan, sáng mắt, tăng cường sức đề kháng của cơ thể… Chính vì vậy, đây không chỉ là món ăn ưa thích mà còn là bài thuốc hữu hiệu cho sức khỏe của người miền núi.
Theo NLĐ