Chất lượng đầu vào đại học tăng, nhưng…

Cập nhật: 19-09-2022 | 08:21:07

Những ngày qua, các trường đại học trên cả nước cũng như trong tỉnh đã hoàn thành việc công bố điểm chuẩn trúng tuyển theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Sau khi công bố, các thí sinh đạt điểm chuẩn trúng tuyển, các bậc phụ huynh có con em trúng tuyển mùa thi năm nay như vỡ òa trong niềm hạnh phúc.

Niềm vui của các thí sinh trúng tuyển thật khôn tả khi chân trời tri thức, ngưỡng cửa mới của cuộc đời đã được mở ra với các em sau bao năm miệt mài học tập.

Đi cùng với đó là sự kỳ vọng lớn lao của các gia đình có con em trúng tuyển đã trở thành hiện thực. Quả thật là “bõ công đèn sách”, “bõ công cha mẹ đầu tư”…

Điều đáng chú ý là điểm xét tuyển của các trường đại học năm nay nhìn chung có xu hướng tăng. Đặc biệt, một số trường có các ngành học với mức tăng điểm chuẩn rất cao, gần như là mức điểm tuyệt đối. Điểm chuẩn đầu vào tăng trước tiên là một điều đáng mừng, bởi điều này sẽ bảo đảm cho chất lượng đầu vào của các trường đại học tăng; đồng thời còn phản ánh được chất lượng của nền giáo dục đào tạo nước nhà. Bên cạnh đó, một số ngành như công nghệ thông tin, máy tính năm nay điểm chuẩn cũng tăng mạnh (2 - 3 điểm) so với năm 2021, đã phản ánh được tính định hướng phù hợp với yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Tuy nhiên, ở một cách tiếp cận khác, điểm chuẩn đại học tăng, đặc biệt là đối với một số ngành học có mức tăng đến tuyệt đối, nói lên điều gì? Theo phân tích, điểm chuẩn một số ngành tăng cao là do lượng thí sinh đăng ký cao, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh lại ít. Cụ thể là với các ngành xét tuyển khối C, việc tăng mạnh điểm chuẩn đã được dự báo từ trước, khi điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp THPT trong tổ hợp xét tuyển này tăng mạnh và chỉ tiêu của các ngành xét tuyển khối C vốn rất ít. Thế nên, thí sinh phải đạt mức 29,95 điểm (trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội) đối với một số ngành như Báo chí - Truyền thông, Đông phương học… mới đỗ đại học!

Vấn đề đặt ra ở đây là điểm chuẩn cao hay thấp, tăng hay giảm hoàn toàn phụ thuộc vào số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển và chỉ tiêu của phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT. Điểm chuẩn cao là do chỉ tiêu tuyển sinh ngành học ít. Điểm chuẩn cao còn là do số lượng thí sinh đăng ký nhiều so với chỉ tiêu.

Hệ quả là trong niềm vui của những thí sinh trúng tuyển, còn có nỗi buồn mang tên “rớt đại học” của nhiều thí sinh dù đạt tổng điểm rất cao, hoàn toàn có thể trúng tuyển vào những ngành học khác, đó thật sự là một “cú sốc” không dễ vượt qua. Và với phương thức xét tuyển này, điểm chuẩn tăng, chất lượng đầu vào tăng, nhưng có lẽ vẫn còn bỏ sót nhân tài…

THÀNH SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=239
Quay lên trên