Chiến thắng bót Cây Trường: Sáng ngời tấm gương liệt sĩ Trừ Văn Thố

Cập nhật: 31-10-2020 | 04:12:31

Bót Cây Trường là 1 trong 2 di tích mới được UBND tỉnh xếp hạng công nhận trong năm 2020. Đây không chỉ là di tích gắn liền với chiến thắng bót Cây Trường mà còn là nơi ghi lại những hình ảnh chiến đấu kiên cường, bất khuất của các chiến sĩ cách mạng, trong đó có anh hùng liệt sĩ Trừ Văn Thố...

 Di tích lịch sử Chiến thắng bót Cây Trường là địa chỉ giúp cho thế hệ hôm nay và mai sau hiểu biết về lịch sử địa phương

 Chiến thắng vang dội

Ông Lê Văn Phước, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, cho biết bót Cây Trường được xây dựng vào khoảng từ sau 1957. Đây là một cứ điểm quân sự quan trọng của chính quyền Sài Gòn bố trí dọc trục đường 13, phía bắc Bến Cát, tỉnh Thủ Dầu Một lúc bấy giờ và có vị trí chiến lược quan trọng thuộc khu tam giác dinh điền Văn Hữu - Căm Xe với rừng lớn hiểm trở và nằm sâu trong vùng giải phóng của ta. Bót được phòng thủ chặt chẽ bởi lực lượng bảo an và 1 đội dân vệ với các trang thiết bị, vũ khí tối tân hiện đại do Mỹ viện trợ. Căn cứ này được chính quyền Sài Gòn xem là bàn đạp để tổ chức đánh phá vào Chiến khu Đ, tổ chức các đợt ra quân ngăn chặn hoạt động cách mạng của ta, hỗ trợ cho lính dân vệ kìm kẹp dân trong ấp chiến lược và phối hợp với quân đội chính quy trong các cuộc hành quân càn quét. Đây cũng là nơi tập kết quân sự để thực hiện các trận đánh phá căn cứ Chiến khu Long Nguyên.

Do đó, để bảo đảm an toàn cho căn cứ, cơ quan cách mạng của ta đóng ở Chiến khu Đ, ta quyết định phải tiêu diệt bằng được bót Cây Trường của địch. Theo lệnh, ngày 18- 10-1963, Tiểu đoàn Bộ binh 5 được tăng cường Đại đội đặc công của Trung đoàn 2 tiến hành tấn công tiêu diệt bót Cây Trường trong ấp chiến lược xã Long Nguyên. Do giữ được bí mật và bất ngờ, nên loạt bộc phá mở đầu ta giành thắng lợi. Bộ đội ta đánh sập được lô cốt trung tâm cố thủ của địch, mở được hàng rào và bắn vỡ pháo đài. Nhưng từ lô cốt trung tâm hỏa lực địch liên tục bắn phá điên cuồng, quét và chặn đường quân ta xung phong. Nhiều chiến sĩ ta ở hướng chủ yếu đã hy sinh.

 Ngày 25-8-2020, UBND tỉnh đã có quyết định xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh Chiến thắng bót Cây Trường

Không do dự, anh Trừ Văn Thố ôm bộc phá lao lên, một loạt đạn trung liên từ lỗ châu mai bắn ra. Trúng đạn, Trừ Văn Thố bị thương nặng vẫn ôm bộc phá và cố trườn tới gần lô cốt, đặt bộc phá vào lô cốt. Bộc phá nổ tung, lô cốt im lặng vài giây sau đó hỏa lực của địch từ lỗ châu mai vẫn tiếp tục bắn ra. Trừ Văn Thố rút pháo thủ ném vào nhưng hỏa lực địch vẫn không tắt. Đội hình tiến công của bộ đội ta bị đánh chặn lại, nhiều đồng chí tiếp tục hy sinh. Trước tình hình gay go tưởng chừng như không thể vượt qua nổi, Trừ Văn Thố bất ngờ đứng dậy lao người vào lỗ châu mai, lấy thân mình bịt kín họng súng trung liên của địch, tạo thời cơ cho bộ đội ta xung phong lên chiến đấu và giành thắng lợi hoàn toàn. Khi đến lô cốt trung tâm, tất cả đồng đội đều bàng hoàng xúc động khi thấy Trừ Văn Thố đã lấy thân mình chèn kín lỗ châu mai, trên người của anh đầy vết đạn. Đây là trận đánh kiên cường diệt gọn cứ điểm công sự kiên cố của địch đầu tiên trên chiến trường miền Nam. Trừ Văn Thố cũng là người đầu tiên của Sư đoàn 9 được tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Trận đánh bót Cây Trường năm 1963, ta tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm quân sự kiên cố của địch, diệt một đại đội bảo an, bắt sống tên chuẩn úy đồn trưởng và trên 10 tên địch đầu hàng, thu nhiều vũ khí, quân trang của địch. Với chiến thắng bót Cây Trường, lực lượng của ta đã phá tan hệ thống ấp chiến lược Long Nguyên, giải phóng hoàn toàn nhân dân bị địch dồn vào ấp chiến lược, góp phần quan trọng cổ vũ phong trào diệt địch phá kìm của nhân dân ta làm phá sản kế hoạch thực hiện ấp chiến lược kiểu mẫu mà chính quyền Sài Gòn đang thực hiện ở chiến trường miền Nam Việt Nam; đồng thời mở thông tuyến hành lang chiến lược đường 13, nối bắc Bến Cát với Chiến khu Đ và Chiến khu Dương Minh Châu, giúp ta bảo vệ vững chắc căn cứ kháng chiến.

Anh hùng liệt sĩ  Trừ Văn Thố

Anh hùng Trừ Văn Thố, sinh năm 1938, quê quán tại ấp Đông Áng, xã Thanh Hòa, huyện Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho (nay là TX.Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang), trong một gia đình nông dân nghèo. Tháng 10- 1961, Trừ Văn Thố tham gia hoạt động cách mạng, trong đội biệt động thị trấn Cai Lậy. Sau đó, được phân công về bộ đội địa phương hoạt động cách mạng ngay trên quê nhà. Tháng 4-1962, Trừ Văn Thố được bổ sung về Trung đoàn 2, Sư đoàn 9 bộ đội chủ lực Miền. Trong quá trình hoạt động cách mạng, Trừ Văn Thố luôn thể hiện được phẩm chất tốt, là một chiến sĩ hiền lành, giản dị, khiêm tốn, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và quân đội giao phó với một ý chí dũng cảm, kiên cường, luôn vững vàng tinh thần và sáng suốt trước mọi thử thách khó khăn, ác liệt.

Năm 1962, chính quyền Sài Gòn tăng cường đánh chiếm, tổ chức nhiều đợt càn quét thường xuyên với quy mô lớn và ác liệt hơn vào Chiến khu Đ. Anh Trừ Văn Thố kiên cường bám trụ, kịp thời cung cấp thông tin chính xác, giúp cấp trên nắm rõ được tình hình địch và tổ chức nhiều trận đánh giành thắng lợi, đồng thời làm suy yếu và tiêu hao sinh lực địch. Tháng 4-1963, anh được cử đi học khóa trinh sát đặc công, sau đó bổ sung về đơn vị Q-272, là đơn vị đặc công đặc biệt tinh nhuệ thuộc Trung đoàn 2, Sư đoàn 9 bộ đội chủ lực Miền. Chiến thắng bót Cây Trường ngày 18-10-1963 đã nêu cao tấm gương anh dũng hy sinh của anh hùng Trừ Văn Thố. Anh đã lấy thân mình bịt kín họng súng trung liên của địch, lấp lỗ châu mai tạo thời cơ cho bộ đội ta xung phong tiến lên chiến đấu và tiêu diệt bót Cây Trường giành thắng lợi hoàn toàn.

Với những giá trị về lịch sử văn hóa của di tích đối với địa phương, ngày 25-8- 2020, UBND tỉnh đã có quyết định xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh Chiến thắng bót Cây Trường. Với việc công nhận này, di tích sẽ được bảo vệ và phát huy giá trị nhiều hơn trong thời gian tới nhằm giúp cho thế hệ hôm nay và mai sau hiểu biết về lịch sử địa phương, tự hào về truyền thống đấu tranh cách mạng của ông cha trong công cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, từ đó tự hào về quê hương, ra sức học tập, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 Sự hy sinh anh dũng, cao cả của liệt sĩ T rừ Văn Thố đã trở thành niềm tự hào cho đồng bào, chiến sĩ và lớp lớp các thế hệ mai sau, được quần chúng yêu mến và ca ngợi anh là “Phan Đình Giót” miền Nam. Ngày 5-5-1965, liệt sĩ Trừ Văn Thố được Nhà nước truy tặng Huân chương Quân công giải phóng hạng III và danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân’’.

 CẨM LÝ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=2209
Quay lên trên