Không khắc khoải như Hà Giang, không man mác buồn như Cao Bằng, Bắc Kạn, chiều bản Nủa (Thanh Hóa) lặng lẽ trôi. Lặng lẽ như khi chúng tôi bỏ đồ đạc dưới chân nhà sàn và quyết định chạy xe vào sâu hơn trong núi, bất chấp mặt trời đang khuất dần sau dãy Pù Luông...
1. Chúng tôi dừng chân ở ngã ba Phố Đoàn, không phải ngày chợ phiên nhưng cũng có dăm sạp hàng bán rau, thịt. Bà chủ quán nước cười lắc đầu bảo “không bán gà đâu, còn nuôi cho nó đẻ trứng”. Phải thuyết phục mãi bà mới chịu cầm nắm gạo ra vườn “tục tục” gọi lũ gà về chuồng. Nắng chiều xiên xiên qua chái nhà lợp rạ ẩm mốc, cũ kỹ. Ở phía xa, lúa đang óng lên một màu vàng ruộm, một bức tranh mang đầy sắc màu trù phú và đủ đầy. Tiếng người đi chợ chiều xôn xao.
Linh Hương, cô bạn đồng hành, lúi húi đem chiếc bao tải đựng con gà chằng vào sau xe. Còn khoảng hơn chục kilômét là tới chỗ nghỉ đêm - bản sinh thái Nủa. Chiều vẫn vàng óng và thời gian rong chơi vẫn còn khá nhiều, đủ để tất cả chúng tôi phải trầm trồ và ngỡ ngàng trước những bản làng nằm nép mình trên lưng núi, lẫn giữa cau cọ và bình yên đến lặng cả người.
Chiều bình yên trên đường vào bản Nủa
Những mái nhà sàn đơn sơ nằm san sát bên nhau trên lưng chừng núi, dưới đám lá cọ đang vươn mình như che chở, con đường đất đỏ dẫn vào bản khi chạy giữa cánh đồng bát ngát, lúc chênh vênh vắt vẻo lưng đèo. Khung cảnh êm ả và quá đỗi dịu dàng khiến lòng lữ khách như chùng xuống, những nhọc nhằn vất vả của 200km đường từ Hà Nội vào Lũng Cao bất chợt nhẹ bẫng phía sau lưng.
2. Chúng tôi thong thả chạy xe trên con đường đất bám dọc theo con suối mà người dân ở đây vẫn gọi là suối Nủa. Bản làng xen kẽ ruộng đồng. Bản Cao, bản Trình, bản Hin, bản Bố, bản Nủa... Cứ sau một khúc quanh lại thấy một ngọn núi nho nhỏ, những mái nhà lợp cọ xinh xinh, những cây cọ vươn cao trên nền trời kiêu hãnh, những cổng nhà nở đầy hoa bóng nước, những hàng rào đan bằng tre luồng đã cũ, tiếng xoong nồi leng keng và khói lam chiều bay lên từ chái bếp. Đôi khi tôi cũng không thể phân biệt nổi chúng là mây hay khói bếp lam chiều.
Ngoài đồng, lũ trẻ đang nô nghịch. Đứa chạy tíu tít trên đồng, đứa quẩn bên chân mẹ đang cố gom rạ vào gùi, những gánh lúa trĩu vai kĩu kịt gánh qua cầu tre lắt lẻo. Dưới góc suối những bà mẹ, những cô gái Thái đang tắm chiều. Những hình ảnh như thể trong sách vở đang bước ra trước mắt, thật tới mức tôi biết mình hoàn toàn có thể chạm vào.
3. Chiều lặng lẽ trôi. Từ nhà sàn của anh Minh vào đến đập Nủa không đầy 10 phút chạy xe. Bước qua bờ bên kia con đường không còn dễ dàng nữa, gập ghềnh, chênh vênh và trơn trượt khi sương bắt đầu sà xuống. Còn 3km là tới bản Kịt, 5 km nữa là tới Cao Hoong. Cảm giác chạy xe trong chiều nhập nhoạng, giữa hun hút núi rừng không một bóng người, chỉ có ánh đèn xe loang loáng của bạn đồng hành quét sau lưng, vừa sợ sệt, vừa cuốn hút...
Cũng giống như nhiều bản làng khác ở Pù Luông, Kịt và Cao Hoong cũng khoác lên mình tấm áo bình yên của nhà sàn và cau cọ. Người Mường ở Pù Luông sinh sống tập trung ở các bản Kịt, Cao Hoong, Bốn và Thành Công. Các bản khác ở dưới thấp và gần suối hơn là địa bàn sinh sống của người Thái Đen.
4. Đêm bản Nủa. Tiếng côn trùng kêu rỉ rả ngoài cánh đồng. Những ô cửa sổ nhà sàn mở ra lộng gió. Những tấm đệm bông lau đã trải, màn đã mắc, đám khách đường xa vừa ngả lưng vừa cười nói vu vơ. 1g sáng, vợ chồng chủ nhà vẫn lúi húi chặt nứa, ngâm gạo nếp làm (ống) cơm lam đãi khách bữa sáng mai.
Tôi nằm mở mắt chong chong nhìn lên mái, gác xép chất đầy lúa mới gặt về. Anh Minh nói ăn tới đâu thì tuốt lúa lấy thóc gạo tới đó, lại còn có rơm rạ để dành cho trâu bò. Đây là cách bảo quản thóc gạo theo truyền thống của người Thái, dù ngày nay nhiều nhà trong vùng đã chọn cách tuốt hết thóc ra và cất gọn vào bồ. Tôi tự hỏi mình trước khi chìm vào giấc ngủ bình yên giữa núi rừng và thiên nhiên hoang dại, không biết bao lâu nữa những bản làng đẹp như mơ dưới chân dãy Pù Luông này sẽ trở thành ký ức của kẻ lãng du?
Xã Lũng Cao, huyện Bá Thước, Thanh Hóa là một điểm đến hấp dẫn của khách du lịch trong và ngoài nước bởi cảnh sắc thiên nhiên hoang dã của khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, cũng như hình ảnh những bản làng yên ả và thanh bình dọc lưng núi (bản Cao, bản Trình, bản Hin, bản Bố, bản Nủa, bản Kịt, bản Cao Hoong nằm cùng trên một tuyến đường). Từ Hà Nội có thể tới Lũng Cao theo đường Hồ Chí Minh bắt đầu từ thị trấn Xuân Mai khoảng 200km.
Ăn ngủ tại nhà sàn sinh thái của các bản, chi phí khá rẻ: 40.000 đồng/người/đêm. Một chuyến đi ngắn vào hai ngày cuối tuần là hoàn toàn phù hợp, chi phí chưa đến 500.000 đồng/người/chuyến. Phương tiện di chuyển chủ yếu là xe máy. Ôtô cũng có thể vào đến tận bản Nủa trong điều kiện thời tiết tốt.
Theo Tuổi Trẻ