Thời gian qua, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, tốc độ đô thị hóa trên phạm vi cả nước nói chung, Bình Dương nói riêng tăng rất nhanh, nhiều khu dân cư, cơ sở sản xuất, kinh doanh nhanh chóng được hình thành và phát triển. Đi cùng với những thành quả đó thì nguy cơ về cháy, nổ cũng ngày một tăng cao, cả về số vụ lẫn tính mạng con người và tài sản. Một số vụ cháy gần đây đã để lại những hậu quả vô cùng to lớn, đau xót đến quặn lòng…
Công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) vì thế đóng một vai trò vô cùng quan trọng, bởi trong cuộc sống, nhiều lúc chỉ cần một phút lơ là, bất cẩn là có thể xảy ra cháy. Đã có nhiều vụ cháy lớn được xác định nguyên nhân chỉ bắt nguồn từ một đốm lửa nhỏ, hay một sự cố chập điện bình thường hoặc từ những bất cẩn của con người nhưng không được phát hiện, không biết cách xử lý kịp thời dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Nhiều vụ cháy khi lực lượng PCCC chuyên nghiệp tiếp cận được hiện trường thì chỉ còn là đống tro tàn. Bởi thế, trong công tác PCCC, Đảng và Nhà nước ta đã xác định: Phải lấy phòng ngừa là chính, phòng là “xây”, chữa là “chống”, lấy phòng là “cơ bản - chiến lược - lâu dài”.
Với phương châm: Từng nhà an toàn - Từng nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp an toàn, từng khu phố an toàn, từng xã, phường, thị trấn an toàn, thời gian qua Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ (CNCH) Công an tỉnh đã ban hành và triển khai nhiều kế hoạch tuyên truyền cũng như tập huấn kỹ năng PCCC và CNCH đến các tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Theo đó, nhiều hoạt động đã diễn ra sôi nổi, thiết thực tại các khu dân cư, nhà máy, xí nghiệp, chợ, trung tâm thương mại…, như: Hội thao, hội thảo; kiểm tra an toàn; diễn tập phương án chữa cháy và CNCH; tuyên truyền trực quan, ký cam kết bảo đảm an toàn PCCC, tuyên dương điển hình tiên tiến về PCCC. Nhiều chương trình, sản phẩm tuyên truyền trên báo chí cũng được đổi mới hình thức thể hiện hấp dẫn hơn, nội dung sâu sắc có sức lan tỏa rộng rãi, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân. Thông qua đó, công tác PCCC từng bước được chuyển biến tích cực, từ trong tư duy đến hành động của mỗi người dân, doanh nghiệp và cả cộng đồng. Đặc biệt, đã có một số mô hình PCCC mới ra đời đã tạo được sự đồng thuận từ phía người dân, phát huy hiệu quả “4 tại chỗ”, tận dụng mọi nguồn lực cho công tác PCCC trên địa bàn tỉnh... Điều đáng quý là nhận thức người dân từng bước được nâng cao, có những nơi người dân đã tự mua sắm các thiết bị PCCC, giải tỏa các chướng ngại vật tạo khoảng cách an toàn trong PCCC và thoát nạn…
PCCC là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Người xưa có câu “nhất thủy, nhì hỏa” để nói về mức độ nghiêm trọng của hiểm họa này. Bởi thế, để ngăn chặn “giặc lửa” hiệu quả rất cần đến sức mạnh của toàn dân song hành cùng với nỗ lực của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH mới góp phần mang lại sự bình yên, hạnh phúc cho mọi người, mọi nhà.
K.TÂN