Chủ động cung cấp thông tin cho báo chí

Cập nhật: 04-11-2011 | 00:00:00

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa có văn bản yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường cung cấp thông tin chính thống cho báo chí. Theo văn bản này, khi có vấn đề thuộc bộ, ngành, địa phương của mình được dư luận quan tâm thì người đứng đầu, cấp phó được ủy quyền hoặc người phát ngôn phải chủ động cung cấp thông tin kịp thời; bởi thời gian qua, không ít cơ quan thực hiện công tác phát ngôn và phối hợp cung cấp thông tin cho báo chí còn hình thức, né tránh.

 Chế độ cung cấp thông tin (ngoại trừ các vấn đề thuộc lĩnh vực bí mật quốc gia) là nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước; trong việc cử cá nhân có đủ thẩm quyền để cung cấp thông tin cho báo chí một cách chính thống; qua đó chuyển tải giúp người dân hiểu đúng vấn đề và có cách hành xử hợp lý. Có thông tin chính thống với định hướng rõ ràng quả là việc làm cần thiết hỗ trợ cho báo chí có cơ sở đấu tranh phản bác với những luồng thông tin mập mờ, sai sự thật, mang dụng ý xấu. Trên thực tế, hiện nay việc bưng bít, áp đặt thông tin là điều không thể; bởi vì xu thế “toàn cầu hóa”, “đa dạng hóa” thông tin ngày càng phát triển mạnh. Đặc biệt là vai trò các mạng xã hội đang xuất hiện rộng rãi, liên tục thúc đẩy và không ngừng thách thức đối với cách truyền thông truyền thống - hàng ngày lan tỏa giành giật nắm quyền tác động đến dư luận. Tuy nhiên, mạng xã hội hầu hết đưa các thông tin thiếu kiểm chứng, tính xác thực không cao, nhiều thông tin không chủ đích; thậm chí mang động cơ xấu. Vì vậy, khi nó trở thành nguồn thông tin đầu vào cho báo chí tham khảo để tiếp cận với bạn đọc nếu không được chọn lọc, xử lý thiếu cân nhắc rất có thể sẽ xuất hiện trên mặt báo những thông tin sai sự thật, không đúng định hướng sẽ gây tác hại khó lường!

Tất nhiên, xu thế thời đại là không thể cưỡng lại việc sử dụng trang mạng xã hội; đặc biệt đối với những người trẻ. Ở nước ta cũng đã có 130 mạng xã hội đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy xác nhận cung cấp dịch vụ; trong đó có một số mạng nổi bật, thu hút khoảng 75% phóng viên tìm vào tham khảo. Bạn đọc luôn có nhu cầu nắm bắt thông tin, nếu như báo chí thiếu thông tin chính thống từ các cơ quan, cấp ngành chức năng cung cấp sẽ lâm vào tình huống khó - không phát, không đăng thì họ sẽ tìm đến mạng xã hội.

Thế mạnh của báo chí truyền thống luôn là sự tin cậy của người dân - vì thông tin được kiểm chứng và có tính định hướng; song ở nơi này, nơi khác vẫn còn một số cấp ngành, địa phương chưa thực hiện tốt quy chế người phát ngôn, tránh né cung cấp thông tin cho nhà báo. Biểu hiện nhẹ thì tìm đủ cách thoái thác, từ chối; có khi còn ngăn trở hoạt động tác nghiệp của nhà báo bằng nhiều hình thức, gây khó khăn đến mức nản lòng cho người cầm bút! Đội ngũ những người làm báo nước ta luôn trung thành, cân nhắc khi đưa thông tin cổ vũ cái đẹp, cái tốt; đồng thời mạnh dạn cảnh báo ngăn ngừa, đấu tranh với cái xấu nhằm thúc đẩy xã hội chuyển biến tích cực, tốt đẹp hơn. Vì vậy, việc tăng cường và chủ động cung cấp thông tin chính thống cho báo chí là việc phối hợp cần thiết - là trách nhiệm của các cấp, các ngành.

 THANH NHÀN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=400
Quay lên trên