Chủ động nắm bắt cơ hội từ Cộng đồng Kinh tế ASEAN - Kỳ 2

Cập nhật: 25-12-2015 | 08:21:44

Kỳ 2: Thời cơ để Việt Nam vươn vai

 Khi bắt đầu đàm phán Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Việt Nam chỉ xếp thứ 7 trong tương quan so sánh nền kinh tế trong khối, nhưng khi AEC chính thức có hiệu lực vào ngày 1-1- 2016, Việt Nam sẽ vươn lên hàng thứ 5. Điều đó không chỉ cho thấy tốc độ bứt phá mạnh mẽ của Việt Nam, mà còn là triển vọng, thời cơ của Việt Nam khi AEC chính thức có hiệu lực.

 

 AEC có hiệu lực là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam vươn lên khẳng định mình trên thị trường thế giới. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất của một công ty trong Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (Bình Dương). Ảnh: XUÂN THI

Nhiều thuận lợi

Suốt quá trình đàm phán thúc đẩy AEC chính thức có hiệu lực, các thành viên trong ASEAN đã đi đến ký kết 4 hiệp định quan trọng, gồm: Hiệp định ATIG (hàng hóa di chuyển tự do), Hiệp định AFAS (dịch vụ di chuyển tự do), Hiệp định ACIA (vốn di chuyển tự do/ đầu tư tự do), Hiệp định MNP (nhà đầu tư/người lao động chuyên môn di chuyển tự do). Các hiệp định này khi đi vào áp dụng thực tiễn sẽ tạo nên một thị trường chung và không gian sản xuất thống nhất nhưng rộng mở ra một không gian rộng lớn.

Sự có mặt của AEC cũng sẽ tạo ra một thị trường phi thuế quan cho 600 triệu dân và GDP khoảng 2.000 tỷ USD. Điểm hấp dẫn là dù AEC chính thức có hiệu lực vào ngày 1-1-2016 tới đây, nhưng các nước vẫn có quyền chủ động về các chính sách thuế, ưu đãi cho doanh nghiệp phát triển theo lộ trình riêng cho từng nước. Điều này sẽ giúp cho các thị trường mới nổi nội khối như Việt Nam, Myanmar, Campuchia… có đủ thời gian để hòa nhập vào không gian sản xuất, thương mại chung của ASEAN.

Việt Nam với những tiến bộ vượt bậc trong thời gian gần đây, đã vươn lên trở thành một trong những nền kinh tế có sức mạnh và tiếng nói quan trọng trong AEC. Điều này được thể hiện ở vai trò, tiếng nói của Việt Nam trong quá trình đàm phán và ngay sau khi AEC có hiệu lực. Trong 10 năm qua, kim ngạch xuất - nhập khẩu giữa Việt Nam và ASEAN tăng đáng kể, từ 9 tỷ USD năm 2003 lên gần 21,09 tỷ USD năm 2015. Các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của nước ta qua thị trường này là gạo, dầu thô, sắt thép, điện thoại các loại và linh kiện, máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng, xăng dầu các loại, máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện... Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường ASEAN trong những năm qua tăng mạnh là do trị giá xuất khẩu của một số nhóm hàng tăng cao như: máy vi tính; sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại các loại và linh kiện; sắt thép các loại; cà phê...

Riêng trong năm 2014, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đối với thị trường ASEAN là 18,47 tỷ USD (tăng 6,7% so với năm 2013), kim ngạch nhập khẩu đạt 21,3 tỷ USD (tăng 2,8% so với năm 2013). ASEAN đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam sau Mỹ và EU, đồng thời là thị trường quan trọng với nhiều tiềm năng bởi tính năng động và vị trí chiến lược trong khu vực, cũng như trên thế giới. Kim ngạch thương mại giữa Việt Nam với các đối tác trong ASEAN giai đoạn 2003-2014 tăng trưởng đều qua các năm, tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 17%. Bên cạnh đó, cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN ngày một chuyển biến theo chiều hướng tích cực, được nâng cao cả về chất lượng và giá trị. Hơn nữa, với dân số hơn 90 triệu người, Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường hấp dẫn cho nhà bán lẻ trong và ngoài khu vực.

Không ít thách thức

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi có được từ khi AEC có hiệu lực, các doanh nghiệp trong nước, cũng như ở tỉnh Bình Dương cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Trong đó có thể kể đến là sức ép từ hàng hóa nhập khẩu, cạnh tranh về dịch vụ đầu tư của các nước ASEAN, dẫn đến một số ngành, sản phẩm phải thu hẹp sản xuất, thậm chí rút khỏi thị trường. Trên thực tế, xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là sản phẩm thô, một số mặt hàng có hàm lượng cộng nghệ cao nhưng còn khiêm tốn; nhóm hàng công nghiệp có giá trị gia tăng thấp, trong khi sản lượng cao vẫn nằm trong nhóm hàng gia công là chính như dệt may, da giày, máy vi tính mới chỉ dừng ở gia công, lắp ráp nhóm hàng.

Đánh giá về tác động của AEC đối với nền kinh tế Việt Nam, ông Trần Thành Trọng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Doanh nghiệp Bình Dương cho biết, tham gia AEC sẽ giúp Việt Nam tăng thêm khối lượng trao đổi thương mại với các nước trong khu vực. Có thể thấy, một trong những trụ cột trong kế hoạch tổng thể xây dựng AEC là hình thành thị trường chung và cơ sở sản xuất thống nhất. Mục tiêu là đưa ASEAN trở thành một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất đang được ASEAN thúc đẩy mạnh, bao gồm 5 yếu tố cơ bản đó là: Tự do lưu chuyển hàng hóa; tự do lưu chuyển dịch vụ; tự do lưu chuyển đầu tư; tự do lưu chuyển vốn và tự do lưu chuyển lao động có kỹ năng. 5 yếu tố này sẽ là động lực chính thúc đẩy sự tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam với các nước ASEAN, cũng như với các đối tác của ASEAN.

Trong khi đó, việc đẩy mạnh tự do hóa thương mại nội khối, hàng rào thuế quan và phi thuế quan giữa các quốc gia thành viên AEC sẽ dần xóa bỏ. Tính đến tháng 7-2013, Việt Nam đã giảm thuế nhập khẩu cho hơn 10.000 dòng thuế xuống mức 0 - 5% theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), chiếm khoảng 98% số dòng thuế trong biểu thuế. Với mức giảm thuế sâu như vậy, trong tương lai hàng hóa của các nước ASEAN sẽ tràn ngập thị trường Việt Nam, dẫn đến việc cải thiện tình trạng nhập siêu của Việt Nam với các nước ASEAN càng trở nên khó khăn hơn. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan gần đây, cán cân thương mại Việt Nam - ASEAN những năm qua luôn bị thâm hụt. Cụ thể, kim ngạch nhập khẩu giai đoạn 2006-2008 của Việt Nam đối với các nước ASEAN gấp gần 2 lần so với kim ngạch xuất khẩu; giai đoạn 2009-2015 tỷ lệ kim ngạch nhập khẩu và kim ngạch xuất khẩu tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao.

Ngoài ra, các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh của hàng hóa các nước khác trên thị trường ASEAN. Trong thời gian tới, AEC hình thành sẽ tạo ra thị trường chung, không còn rào cản hàng hóa, dịch vụ, vốn... Hàng hóa ở các nước thành viên ASEAN sẽ có mức thuế ưu đãi như nhau, khi đó sức cạnh tranh sẽ tập trung vào chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm. Trong khi đó, với thiết bị, công nghệ hiện nay, sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam khó có thể cạnh tranh với sản phẩm xuất khẩu của các nước trong khối. Trước việc mở cửa hội nhập kinh tế như hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam sẽ khó đáp ứng được những quy định nguồn gốc nguyên liệu. Bởi vì hiện nay, chỉ khoảng 20% hàng hóa của Việt Nam đạt tiêu chuẩn về nguyên tắc xuất xứ, trong khi các nước khác tỷ lệ này nằm ở mức 90% trở lên.

Như vậy, khi AEC có hiệu lực thì thách thức và khó khăn đối với các doanh nghiệp Việt Nam là khá lớn. Chính vì thế, doanh nghiệp Việt Nam rất cần có sự am hiểu, chủ động đón bắt cơ hội từ AEC. Cũng cần khẳng định, việc xây dựng thành công AEC là nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt của ASEAN. Đối với Việt Nam, AEC sẽ là cơ hội quý báu để nước ta nhanh chóng bắt nhịp với xu thế và trình độ phát triển kinh tế của khu vực và thế giới. Do đó, Chính phủ và các doanh nghiệp trong nước cần tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức trong quá trình xây dựng AEC nhằm nâng cao vai trò của mình trong quá trình phát triển và hoàn thiện của ASEAN.

 Kỳ 3: Tăng cường giao thương

 KHÁNH VINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=580
Quay lên trên