Kỳ 4: Cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu
Khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập sẽ là một lợi thế lớn để các doanh nghiệp (DN) Việt Nam mở rộng thị trường. Với những thời cơ chung từ AEC mang lại, cùng những lợi thế mà Bình Dương đã và đang có sẽ là cơ hội để DN của Bình Dương đẩy mạnh xuất khẩu, qua đó thúc đẩy kinh tế của địa phương tăng trưởng.
Khi AEC được thành lập sẽ là thời cơ để Bình Dương đẩy mạnh xuất khẩu, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng. Trong ảnh: Kho cảng ICD của Công ty TNHH MTV ICD Tân Cảng Sóng Thần (TX.Thuận An). Ảnh: PHƯƠNG LÊ
Thời cơ chung
AEC là một khối sản xuất thương mại và đầu tư, tạo ra thị trường chung của một khu vực có dân số 600 triệu người và GDP hàng năm gần 3.000 tỷ USD. Do đó, khi AEC được thành lập sẽ là một lợi thế lớn để các DN của Việt Nam mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu. Bên cạnh đó, khi AEC hình thành, rất nhiều sáng kiến thuận lợi hóa thương mại quan trọng như cơ chế hải quan một cửa ASEAN; hệ thống tự chứng nhận xuất xứ; hài hòa hóa tiêu chuẩn và công nhận lẫn nhau... sẽ được triển khai. Ngoài ra, ASEAN cũng đẩy mạnh việc xử lý các biện pháp phi thuế quan và thúc đẩy cơ chế giải quyết tranh chấp. Về dịch vụ và đầu tư, ASEAN hướng tới mức độ tự do hóa cao, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ, thông qua Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ (AFAS) và Hiệp định Đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA).
Theo Đại sứ Vũ Đăng Dũng, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại ASEAN, AEC sẽ tạo ra một khu vực kinh tế thịnh vượng, năng động và có sức cạnh tranh cao; một thị trường chung và cơ sở sản xuất thống nhất; bảo đảm tự do lưu chuyển của hàng hóa, thương mại, dịch vụ, đầu tư và lao động có tay nghề giữa các nước trong ASEAN. Cùng với đó, phần lớn rào cản thuế quan và phi thuế quan sẽ được dỡ bỏ, đi đôi với những biện pháp tạo thuận lợi hơn nữa các thủ tục hải quan thông qua khuôn khổ “Hải quan ASEAN một cửa”; xây dựng các mạng lưới kết nối giao thông vận tải; đồng thời hợp tác chặt chẽ hơn trong các lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, năng lượng, giao thông vận tải và công nghệ thông tin.
Ông Phạm Văn Xô, Chủ tịch Hiệp hội Xuất nhập khẩu Bình Dương, cho biết hiện nay, Việt Nam đang nhập khẩu 70% nguyên liệu. Khi AEC thành lập, ưu đãi về thuế quan sẽ tác động vào nguồn nguyên liệu đầu vào, lúc đó giá thành sẽ rẻ tạo điều kiện cho ngành dệt may và da giày của Việt Nam phát triển mạnh hơn. Ngoài ra, về nguồn nhân lực, đây sẽ là điều kiện để Việt Nam sử dụng lực lượng lao động có tay nghề kỹ thuật cao của các nước thành viên vào những vị trí quan trọng... giúp Việt Nam phát triển mạnh lĩnh vực công nghiệp, phát triển sản xuất cũng như đẩy mạnh lượng hàng xuất khẩu.
Lợi thế riêng
Năm 2015 Bình Dương đứng thứ 3 cả nước về kim ngạch xuất khẩu. Một số ngành chủ lực của Bình Dương như gỗ, dệt may, da giày… chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Năm nay, hoạt động xuất khẩu của tỉnh tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao và ổn định so với năm trước; xuất siêu đạt 3,7 tỷ USD. Đối với ngành gỗ của Bình Dương, hiện đang đóng góp trên 50% giá trị xuất khẩu gỗ của cả nước, kim ngạch xuất khẩu năm 2015 ước đạt 2,4 tỷ USD, tăng 12,4% so với năm 2014 và chiếm tỷ trọng 11,5% kim ngạch xuất khẩu của cả tỉnh.
Những năm gần đây, giá trị hàng hóa xuất khẩu của Bình Dương vào thị trường các nước thành viên AEC tăng trưởng mạnh. Cụ thể, năm 2010, giá trị hàng hóa xuất khẩu của Bình Dương vào thị trường Indonesia mới đạt 108 triệu USD, đến năm 2014 đã tăng lên 453 triệu USD; tương tự xuất khẩu vào thị trường Singapore tăng từ 220 triệu USD lên 429 triệu USD, thị trường Malaysia tăng từ 119 triệu USD lên 284 triệu USD... cùng thời điểm. |
Trong khi đó, ngành cơ khí ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp của cả tỉnh; năm 2015 ngành này chiếm tỷ trọng 19,1%. Đối với ngành điện, điện tử, những năm gần đây tình hình đầu tư vào ngành này tại Bình Dương tăng mạnh. Khi AEC thành lập, ngoài việc được hưởng nhiều ưu đãi về thuế quan, các ngành hàng này có thêm cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu vào các nước thành viên AEC.
Riêng lĩnh vực nông nghiệp, mặc dù từ đầu năm đến nay thị trường xuất khẩu cao su của Việt Nam sụt giảm, giá mủ cao su lại xuống thấp nhưng tại Bình Dương, ngành này vẫn đóng vai trò quan trọng. Khi AEC được thành lập cũng là cơ hội để ngành cao su trong nước nói chung, tại Bình Dương nói riêng phát triển mở rộng thị trường.
Ông Nguyễn Văn Lương, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Esquel Garment Manufacturing Việt Nam (Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore 1, TX.Thuận An), cho biết việc hình thành AEC sẽ mang lại nhiều cơ hội cho công ty về số lượng đơn hàng cũng như khách hàng, nhưng cũng có những thách thức về cạnh tranh thị trường lao động. Để nắm bắt được cơ hội này, công ty sẽ đầu tư thêm máy móc thiết bị, áp dụng tự động hóa để tăng năng suất lao động, đồng thời đầu tư đào tạo tay nghề cho người lao động để công ty phát triển ổn định hơn.
Bình Dương hiện cũng đang thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính nhanh gọn nhằm tạo thuận lợi nhất cho DN. Cụ thể, trong lĩnh vực thuế, việc áp dụng đồng bộ bộ phận một cửa liên thông theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008, đặc biệt là hoạt động kê khai thuế qua mạng đã tạo thuận lợi cho DN, người nộp thuế về thời gian đi lại, đồng thời giảm thủ tục, giấy tờ liên quan. Trong lĩnh vực hải quan, Bình Dương đã nỗ lực rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa trên địa bàn tỉnh; trong đó việc ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai hệ thống thông quan hàng hóa tự động (VNACCS/VCIS) tại Cục Hải quan đã mang lại lợi ích thiết thực cho cơ quan hải quan và DN.
Bình Dương có một lợi thế lớn nữa là nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, gần các cảng biển, sân bay. Nhằm phát huy lợi thế này, thời gian qua Bình Dương đã đẩy mạnh đầu tư mở rộng hệ thống hạ tầng giao thông, hệ thống kho bãi, cảng sông, cảng ICD cũng như dịch vụ hỗ trợ khai báo hải quan. Nhờ vậy đến nay, trên địa bàn tỉnh có 4 cảng sông gồm cảng An Sơn (TX.Thuận An), cảng Thạnh Phước (TX.Tân Uyên), cảng Bình Dương (TX.Dĩ An) và cảng Bà Lụa (TP.Thủ Dầu Một). Trên địa bàn tỉnh còn có 64 bến thủy nội địa đang hoạt động cung cấp dịch vụ vận chuyển và bốc dỡ hàng hóa. Bên cạnh đó, Bình Dương có hệ thống hạ tầng cơ sở đồng bộ, liên hoàn; có nhiều tuyến đường trọng điểm mang tính huyết mạch, kết nối trung tâm Thành phố mới Bình Dương với các trung tâm đô thị trong tỉnh và các tỉnh, thành trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Với những lợi thế nói trên của Bình Dương, có thể thấy khi AEC hình thành sẽ là cơ hội để Bình Dương đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, qua đó góp phần tăng trưởng kinh tế của địa phương.
Kỳ 5: Đẩy mạnh phát triển ngành hàng
PHƯƠNG LÊ