Kỳ 3: Tăng cường giao thương
Một trong những nội dung quan trọng của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) chính là hàng hóa được tự do lưu thông trong nội khối. Khi AEC chính thức có hiệu lực, cánh cửa giao thương được mở toang, người tiêu dùng sẽ có nhiều lựa chọn hơn khi mua những sản phẩm mình yêu thích. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam cũng có nhiều cơ hội hơn khi xuất khẩu hàng hóa sang các nước ASEAN.
AEC ra đời sẽ tạo động lực giúp doanh nghiệp mở rộng giao thương, thu hút đầu tư. Trong ảnh: Hoạt động hậu cần (logistics) tại Công ty TNHH MTV Tân Cảng Sóng Thần ICD (TX.Thuận An, Bình Dương). Ảnh: PHƯƠNG LÊ
Hướng tới thị trường thống nhất
Theo các chuyên gia, các biện pháp chính mà ASEAN sẽ thực hiện để xây dựng một thị trường chung và cơ sở sản xuất thống nhất bao gồm: Dỡ bỏ thuế quan và các hàng rào phi thuế quan; thuận lợi hóa thương mại, hài hòa hóa các tiêu chuẩn sản phẩm (hợp chuẩn); giải quyết nhanh chóng hơn các thủ tục hải quan và xuất nhập khẩu; tăng cường phát triển thị trường vốn ASEAN… Cùng với đó, các nước củng cố mạng lưới sản xuất khu vực thông qua đẩy mạnh kết nối về cơ sở hạ tầng; đặc biệt là trong các lĩnh vực năng lượng, giao thông vận tải, công nghệ thông tin và viễn thông, cũng như phát triển những kỹ năng thích hợp. Hiện nay, các biện pháp thực hiện AEC đã và đang được các nước thành viên ASEAN triển khai cụ thể thông qua các thỏa thuận và hiệp định quan trọng như Hiệp định Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ (AFAS), Hiệp định khung về khu vực đầu tư ASEAN…
Đối với tự do hóa thương mại hàng hóa, đến nay ASEAN đã cơ bản giảm được thuế quan cho các mặt hàng trong danh sách giảm thuế về còn 0 - 5% từ năm 2010 đối với 6 nước thành viên ban đầu (Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan) và vào năm 2015 đối với 4 nước thành viên mới, (Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam), hình thành nên một thị trường mở không còn các rào cản thuế quan đối với hàng hóa. Để hỗ trợ tự do hóa thương mại, ASEAN đang nỗ lực đưa vào hoạt động Cơ chế hải quan một cửa ASEAN và những quy định về áp dụng chứng nhận xuất xứ cho hàng hóa có nguồn gốc từ ASEAN để đủ điều kiện hưởng ưu đãi về thuế quan. Trong đó, các nước trong ASEAN đang nghiên cứu tiến tới việc cho phép doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ, cùng với việc hài hòa hóa các quy định về hợp chuẩn hàng hóa. Hiện các nước trong ASEAN đã thông qua và đang triển khai Khuôn khổ ASEAN về phát triển kinh tế đồng đều (AFEED), trong đó đáng chú ý là các biện pháp hỗ trợ những nước thành viên mới khuyến khích sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các nước trong ASEAN cũng đang nỗ lực đẩy mạnh việc xây dựng và triển khai các thỏa thuận liên kết kinh tế ở khu vực Đông Á, với 6 Hiệp định Khu vực mậu dịch tự do đã được ký với các đối tác quan trọng là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Ôx-trây-lia, Niu Di-lân và đang trong quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), hướng đến hình thành một không gian kinh tế mở toàn Đông Á với GDP chiếm 1/3 tổng GDP toàn cầu và quy mô thị trường chiếm 1/2 dân số thế giới.
Nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp
Theo luật sư Nguyễn Thế Truyền, Văn phòng Luật sư Thiên Thanh (Hà Nội), AEC ra đời, cùng với việc Việt Nam tham gia các hiệp định tự do thương mại sẽ tạo động lực giúp doanh nghiệp mở rộng giao thương, thu hút đầu tư, đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu, cắt giảm chi phí nhập khẩu, hạ giá thành sản phẩm và tiếp cận các thị trường rộng lớn hơn. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, AEC ra đời, doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Cụ thể là việc cạnh tranh về dịch vụ đầu tư của các nước ASEAN sẽ dẫn đến một số ngành, doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, thậm chí rút khỏi thị trường. Việc tham gia AEC cũng là cơ hội lớn để Việt Nam đẩy mạnh cải cách thể chế, hiện đại hóa nền kinh tế và nâng cao trình độ phát triển. Tuy nhiên, trong những năm tới, Việt Nam cũng đứng trước sức ép rất lớn về cải cách thể chế, tái cơ cấu kinh tế, nâng cao trình độ khoa học - công nghệ và năng lực cạnh tranh, trong bối cảnh ASEAN nhảy vọt từ nấc Khu vực Thương mại tự do ASEAN (AFTA) lên nấc thang AEC. Trong khi đó, hiện nay, trình độ phát triển kinh tếcủa Việt Nam còn kém xa so với nhiều quốc gia trong ASEAN như Singapore, Malaysia... Do vậy sức ép cải cách đặt ra cho Việt Nam là rất lớn.
Đối với lĩnh vực lao động, việc làm, Việt Nam cũng đứng trước những cơ hội và thách thức lớn. Để thực hiện cam kết có tính mới và đột phá về “tự do dịch chuyển của lao động có chứng chỉ đào tạo”, 10 nước ASEAN đã thống nhất công nhận giá trị tương đương của chứng chỉ đào tạo của mỗi nước thành viên đối với 8 loại nghề nghiệp: Bác sĩ, nha sĩ, hộ lý, kỹ sư, kiến trúc sư, kiểm toán viên, giám sát viên và nhân viên du lịch. Về lý thuyết, khi gia nhập AEC, Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước trong khu vực. Việt Nam có lợi thế về nguồn lao động trẻ dồi dào, khéo tay, học nhanh và làm việc chăm chỉ, có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực về lao động phổ thông. Tuy nhiên, lao động Việt Nam có nhược điểm là kỷ luật lao động kém, sẵn sàng chuyển việc nếu được hứa hẹn tiền lương cho việc làm mới cao hơn nơi đang làm… Do vậy, lao động có tay nghề cao từ các nước ASEAN-6 phát triển hơn cũng có thể vào Việt Nam và gây nhiều hệ lụy về xã hội. Thực tế này đòi hỏi Chính phủ, doanh nghiệp và người dân trong nước phải có sự thuẩn bị tốt để đối phó với những thách thức về dịch chuyển lao động từ AEC.
Luật sư Nguyễn Thế Truyền cho biết thêm, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập mạnh mẽ, các nước sẽ mở rộng thị trường xuất khẩu cho hàng hóa của Việt Nam, nhưng đồng thời Việt Nam cũng phải mở cửa cho hàng hóa cạnh tranh của các nước. Trong điều kiện đó, những doanh nghiệp có lợi thế xuất khẩu sẽ ngày càng lớn mạnh hơn, trong khi doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh yếu đối với hàng hóa nhập khẩu sẽ gặp thách thức lớn. Trên thực tế, hiện nay đa số doanh nghiệp của Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ, năng lực cạnh tranh hạn chế, bước vào sân chơi AEC sẽ đối mặt không ít khó khăn, thách thức.
Để tham gia AEC thành công, doanh nghiệp Việt Nam trước hết phải nhìn nhận, đánh giá lại thực trạng của mình trong thời gian qua và những thế mạnh, ý tưởng mới, hướng tháo gỡ của mình. Từ đó dự báo, nắm tình hình kinh tế thế giới để tranh thủ những gì lợi nhất cho mình cũng như những rủi ro có thể tránh. Đây là những việc doanh nghiệp phải tự làm, dưới sự hỗ trợ của nhà nước, của các hiệp hội, ngành hàng thì mới có thể hợp lực khắc phục những điểm yếu của chúng ta trong quá trình hội nhập hiện nay.
Nhiều chuyên gia cho rằng, lo lắng lớn nhất khi tham gia AEC là hiện doanh nghiệp trong nước không có đủ thông tin và chưa có sự chuẩn bị đầy đủ. Ngay từ bây giờ, các bộ ngành và địa phương trong cả nước phải tuyên truyền, tập huấn cho doanh nghiệp phải đối mặt với những gì, cần phải có giải pháp gì để tận dụng được những lợi thế từ AEC và làm thế nào để ngăn chặn hệ quả xấu đối với doanh nghiệp trong nước cũng như đối với nền kinh tế đất nước. Đây là những việc cần phải làm quyết liệt. Vừa qua chúng ta đã đàm phán, tham gia hội nhập rất mạnh mẽ và hiệu quả, nhưng khâu triển đến các địa phương, doanh nghiệp trong nước về những thách thức cần phải đối mặt, những giải pháp để vượt qua chúng ta chưa có kế hoạch cụ thể.
Kỳ 4: Cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu
PHÙNG HIẾU