Chủ động phòng tránh thiên tai

Cập nhật: 20-09-2012 | 00:00:00
UBND tỉnh vừa ban hành Công văn số 2598/UBND-KTN về việc tăng cường phòng chống ngập úng, thiên tai trong mùa mưa bão gởi tất cả các sở ngành, huyện thị, thành phố và các cơ quan trong tỉnh, yêu cầu tổ chức triển khai thực hiện một số biện pháp nhằm chủ động phòng tránh, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra. Công văn nêu rõ một số nội dung cần triển khai thực hiện là các ngành chức năng phải nắm chắc diễn biến tình hình thời tiết để kịp thời thông báo cho người dân biết; tăng cường công tác kiểm tra, gia cố các hồ đập trên địa bàn; chủ động các phương án phòng chống, di dời dân và có phương án xử lý cụ thể khi xảy ra thiên tai... nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản. Nội dung công văn nhấn mạnh, do tình hình thời tiết diễn biến ngày càng phức tạp, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh cần nắm chắc thông tin áp thấp nhiệt đới, tình hình mưa lũ, cường độ xả lũ của các hồ chứa quốc gia, tình hình thủy triều; chủ động đề xuất giải pháp ứng phó và thông báo kịp thời đến các sở, ngành, huyện, thị, thành phố để chủ động phòng tránh nhằm giảm nhẹ khi có mưa bão kết hợp xả lũ và triều cường. Sở dĩ lãnh đạo tỉnh nhấn mạnh nội dung này là do trên địa bàn tỉnh hiện có rất nhiều hồ đập thủy lợi với dung tích rất lớn là hồ Dầu Tiếng, hồ Phước Hòa, hồ Cần Nôm, hồ Từ Vân 1, hồ Từ Vân 2... Các hồ đập này có thể gây ra lũ lớn bất cứ lúc nào nếu xảy ra “sự cố”. Cùng với các hồ đập nói trên là các hồ thủy điện tuy nằm trên địa bàn các tỉnh Bình Phước và Đồng Nai, nhưng có khả năng “uy hiếp” rất lớn đối với địa bàn Bình Dương và TP.HCM là thủy điện Thác Mơ; thủy điện Srok Phu Miêng; hệ thống thủy điện trên sông Đồng Nai.Tuy mới bước vào mùa mưa bão và chưa hề có “sự cố” nào từ các hồ đập chứa nước, nhưng nhiều địa phương trong tỉnh cũng đã hứng chịu khá nhiều thiệt hại bởi lũ lụt. Suốt tuần qua, gần 100 hộ dân tại địa bàn xã An Bình (huyện Phú Giáo) phải gồng mình chống chịu ngập lụt, có nơi ngập sâu đến 1m và nước cứ “ở lỳ” nhiều ngày mà không chịu rút! Trước đó, lũ cũng đã gây thiệt hại lớn đối với người dân xã Tân Hiệp (huyện Tân Uyên) mà theo thống kê sơ bộ thiệt hại người dân phải gánh chịu lên đến hàng tỷ đồng! Nguyên nhân của những trận ngập lụt nói trên đều do “nhân tai” gây ra vì các công trình chặn lấn dòng chảy, kênh rạch không được nạo vét khơi thông và cả sự thờ ơ, vô trách nhiệm của những chủ đầu tư.Trong khi đó, theo Hội Thủy lợi Việt Nam, chỉ riêng hồ Dầu Tiếng đã có khoảng 1,5 tỷ m3 nếu tích đủ lượng nước theo thiết kế, lưu lượng xả lũ tối đa theo thiết kế lên đến 2.800m3/s. Còn nhớ vào năm 1984, khi hồ Dầu Tiếng bắt buộc phải xả để khắc phục sự cố ở cửa tràn chỉ với lưu lượng 600m3/s trong 2 ngày, thì toàn bộ khu vực phía đông và đông bắc của Bình Dương và một số quận tại TP.HCM đã ngập từ 20 - 40cm. Trong vòng 25 năm qua, hồ Dầu Tiếng có 2 lần buộc phải xả lũ, nhưng chỉ mới ở mức 400m3/s thì phía hạ lưu đã “không thể chịu nổi” và buộc phải dừng! Bình Dương và TP.HCM nay đã khác trước, vùng thấp của Bình Dương hiện đều có đê bao, sông Sài Gòn không còn thông thoáng thì chuyện gì sẽ xảy ra nếu hồ Dầu Tiếng buộc phải xả lũ kết hợp với triều cường và mưa lớn?!Lịch sử vùng đất này cũng đã có 2 lần mưa lũ đi vào lịch sử. Năm 1952, năm dân gian còn lưu truyền “năm Thìn bão lụt”, lũ trên sông Sài Gòn đạt 4.500m3/s; trước đó là vào năm 1904, mặc dù  không có số liệu đo đạc cụ thể nhưng theo nguồn “truyền miệng” thì mức độ còn dữ dội hơn! Và, năm nay cũng là năm Thìn, trở lại một chu kỳ 60 năm, nên việc tăng cường chủ động phòng tránh thiên tai là không thừa. LÊ QUANG
Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên