Chuẩn bị chu đáo cho năm học 2024-2025- Bài 2

Cập nhật: 22-08-2024 | 08:56:55

Bài 2: Kéo giảm “áp lực” trường lớp

Dù đối mặt với khó khăn khi trường lớp quá tải về sỉ số học sinh, Bình Dương vẫn luôn đặt mục tiêu bảo đảm đủ chỗ học cho 100% học sinh (HS) trên địa bàn. Vì vậy thời gian qua các cơ quan, ban ngành đã quyết liệt triển khai những giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ xây trường học, đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dạy học, nhất là khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Đầu tư xây dựng, sửa chữa trường lớp

Thời gian qua, nhiều địa phương trong tỉnh đã nỗ lực để kịp hoàn thành các công trình xây mới, nâng cấp và cải tạo trường học chuẩn bị cho năm học 2024-2025, đặc biệt là ở các địa phương luôn có sự gia tăng cao về số lượng học sinh hàng năm như TP.Dĩ An, TP.Thuận An, TP.Bến Cát, TP.Thủ Dầu Một…

Các cơ sở giáo dục chủ động, linh hoạt khắc phục khó khăn, trang trí trường lớp sẵn sàng đón HS trở lại trường năm học mới

Năm học mới này, TP.Dĩ An sẽ có 2 trường mới đi vào hoạt động, đó là trường Tiểu học Bùi Thị Xuân và trường THCS Tân Đông Hiệp B. Việc hai trường mới đi vào hoạt động sẽ góp phần “chia lửa” với các trường trong khu vực và kéo giảm sĩ số HS/ lớp. Để chuẩn bị cho năm học 2024-2025, dịp hè, UBND TP.Dĩ An đã thành lập đoàn khảo sát nắm tình hình cơ sở vật chất chuẩn bị năm học mới tại các trường để tu sửa cơ sở với tổng kinh phí hơn 8,7 tỷ đồng…

Phát biểu tại hội nghị tổng kết năm học 2023- 2024 và công tác chuẩn bị khai giảng năm học 2024- 2025, do Sở GD&ĐT tổ chức, ông Nguyễn Lộc Hà, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đánh giá cao sự chuẩn bị của toàn ngành giáo dục và các địa phương cho năm học mới.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các địa phương tiếp tục rà soát, linh hoạt và chủ động chuẩn bị tốt cho năm học mới cũng như lễ khai giảng sắp tới; đặc biệt là công tác phối hợp tổ chức chương trình “Tiếp sức đến trường” cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn…

Cũng như TP.Dĩ An, để bảo đảm điều kiện cho năm học mới, lãnh đạo các địa phương đã chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cùng các ban ngành liên quan tiến hành khảo sát cơ sở vật chất, trang thiết bị các cơ sở giáo dục để làm cơ sở bố trí nguồn vốn đầu tư nâng cấp, sửa chữa, bổ sung thêm trang thiết bị cần thiết cho các trường, phục vụ nhu cầu giảng dạy trong năm học mới 2024-2025.

Bà Nguyễn Thị Nhật Hằng, Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết sau khi kết thúc năm học 2023- 2024, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở GD&ĐT phối hợp với các sở, ban, ngành và địa phương trong công tác xây dựng các công trình trường học, nhất là việc thống nhất danh mục đầu tư theo phân kỳ kế hoạch. Bên cạnh đó, công tác quy hoạch mạng lưới trường học và bố trí quỹ đất dành cho giáo dục thời gian qua được các cấp, các ngành và địa phương đặc biệt quan tâm.

Để khắc phục khó khăn về trường lớp, cơ sở vật chất, các địa phương đã chỉ đạo Phòng GD&ĐT, các đơn vị trường học tận dụng và linh hoạt sử dụng các thiết bị hiện có để sử dụng trong quá trình dạy học. Bên cạnh đó, các trường học và địa phương linh hoạt vận động các nguồn xã hội hóa về cơ sở vật chất nhằm đáp ứng yêu cầu dạy và học.

Tạo điều kiện tốt nhất cho năm học mới

Những ngày này, tại trường THCS Châu Văn Liêm (TP. Thuận An), đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên đang tất bật trang trí lại lớp học, vệ sinh khuôn viên sân trường, tạo không gian xanh để đón HS. Thầy Từ Văn Việt, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết để chuẩn bị năm học mới, trường đã sửa chữa, nâng cấp một số hạng mục như bổ sung bàn ghế, chỉnh trang khuôn viên sân trường, trang trí các phòng học… Công tác này được trường lên kế hoạch triển khai ngay từ khi vừa kết thúc năm học 2023- 2024.

Nhiều trường học trên địa bàn tỉnh có tỷ lệ học sinh/lớp cao hơn so với tiêu chuẩn quy định

Theo ghi nhận, để bảo đảm đáp ứng nhu cầu học tập của HS, các trường thực hiện giảm số lớp học từ 2 buổi/ngày xuống 1 buổi/ngày, tăng số HS trên lớp. Nhiều trường học đang phải tổ chức học ca, sử dụng các phòng chức năng để làm phòng học tạm thời. Để giải quyết bài toán học bán trú đáp ứng nhu cầu của phụ huynh, các trường học không đủ cơ sở vật chất để dạy 2 buổi/ngày đã hợp tác với các trung tâm có đủ điều kiện để HS chuyển qua học buổi thứ hai; đồng thời chủ động phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành phân tuyến tuyển sinh hàng năm.

Năm học 2024-2025 toàn tỉnh dự kiến có khoảng 520.690 học sinh

Năm học 2024-2025 là năm học đặc biệt khi Chương trình GDPT 2018 được triển khai ở tất cả các khối lớp từ lớp 1 tới lớp 12. Toàn ngành giáo dục Bình Dương hiện có 713 trường, trung tâm, trong đó có 375 trường công lập, 338 trường ngoài công lập. Tổng số học sinh các cấp học từ mầm non đến THPT toàn tỉnh dự kiến khoảng 520.690 HS, tăng thêm 25.968 HS so với năm học 2023-2024.

Bà Trần Thị Thảo, Phó Chủ tịch UBND TP.Bến Cát, cho biết so với mọi năm, năm nay Bến Cát có số lượng HS tăng ít hơn. Tuy nhiên, vấn đề quá tải của những năm trước để lại vẫn còn cao. Hiện tại, Bến Cát có bình quân mỗi lớp 48 em, nếu tính theo chuẩn của Bộ GD&ĐT thì Bến Cát phải cần thêm 9 đến 10 trường nữa. “Lãnh đạo UBND thành phố cũng đã chỉ đạo Phòng GD&ĐT và các xã, phường trên địa bàn phải tiếp nhận tất cả HS; địa phương này không đủ thì chuyển qua địa phương khác; đi gần không được thì đi xa chút. Tất cả phải bảo đảm cho các em đều được tới trường”, Phó Chủ tịch UBND TP.Bến Cát cho biết.

Cần cơ chế đặc thù

Giải pháp căn cơ để bảo đảm đồng thời cả yêu cầu về sĩ số HS/ lớp và tỷ lệ HS học 2 buổi/ngày là xây thêm trường học. Tuy nhiên những năm qua, việc triển khai các dự án xây dựng trường học ở Bình Dương chưa thể đáp ứng kịp với số lượng HS tăng nhanh hàng năm. Do vậy, Sở GD&ĐT đã tham mưu UBND tỉnh, HĐND tỉnh điều chỉnh, ban hành các chế độ, chính sách đối với ngành giáo dục trong tỉnh nhằm từng bước bảo đảm quy mô trường, lớp cho HS học 2 buổi/ngày theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT cũng đang kiến nghị Bộ GD&ĐT xem xét điều chỉnh quy định hoặc có cơ chế đặc thù đối với ngành giáo dục của các tỉnh, thành Đông Nam bộ, trong đó có Bình Dương. Theo đó, đề xuất bao gồm tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, tuyển dụng thêm giáo viên và áp dụng linh hoạt quy định trong một số trường hợp đặc biệt…

Bà Nguyễn Thị Nhật Hằng, Giám đốc Sở GD&ĐT, cho rằng mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn về cơ sở vật chất khi trường lớp quá tải trước mỗi năm học mới, ngành giáo dục Bình Dương vẫn luôn nỗ lực bảo đảm đủ chỗ học cho 100% HS trên địa bàn. “Thời gian qua, tỉnh luôn quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho ngành giáo dục; đồng thời thực hiện nhiều chính sách thu hút xã hội hóa giáo dục nhằm phát triển mạng lưới trường lớp, nỗ lực đáp ứng nhu cầu học tập của HS trước số lượng ngày càng tăng”, bà Nguyễn Thị Nhật Hằng cho biết.

(Còn tiếp)

HỒNG PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=91
Quay lên trên
X