Chuối Việt ở trời Tây - Bài 1
(BDO) LTS: Anh từng trăn trở, nuôi hoài bão đưa sản phẩm nông sản Việt lên bàn ăn của các nước phát triển, từ đó lan tỏa hình ảnh, thương hiệu của một quốc gia hình chữ S trên bản đồ thế giới. Điều đó quả không đơn giản, nhưng anh và các cộng sự đã làm được. Anh là Phạm Quốc Liêm, người con của vùng đất Thủ - Bình Dương... |
Bài 1: Người mang sứ mệnh tiên phong
Biết Phạm Quốc Liêm từ năm 2015. Khi ấy, Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao An Thái, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương do Unifarm làm chủ đầu tư mới chính thức đi vào hoạt động hơn năm năm. Vai trò là Tổng Giám đốc Unifarm, với nhiều trăn trở, Liêm đã chia sẻ về những định hướng và hoài bão để biến Bình Dương không chỉ là tỉnh phát triển công nghiệp mà còn là địa phương đi đầu về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Phạm Quốc Liêm trong trang trại chuối
Về thăm vùng xanh Phú Giáo
Trên con đường ĐT741, theo hướng từ Bình Dương về Bình Phước, tôi rẽ trái vào trung tâm hành chính của huyện Phú Giáo để gặp anh Nguyễn Trường Hải, Giám đốc trung tâm phát triển nông nghiệp huyện Phú Giáo, người sẽ đưa chúng tôi đi thăm các hợp tác xã và nông hộ về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn Phú Giáo. Anh Hải hồ hởi cho biết, nhắc đến Phú Giáo hôm nay là phải nhắc đến nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với việc nhà nhà làm nông nghiệp, người người làm nông nghiệp.
Thực vậy, suốt cả buổi sáng mải miết đi từ thị trấn Phước Vĩnh vòng qua An Bình rồi về Tân Long, Tân Hiệp…, đi đến đâu cũng dễ dàng bắt gặp những nhà kính trồng dưa lưới, những cánh đồng chuối thẳng tắp, cùng những nụ cười hồn hậu, rạng ngời của bà con nông dân trong niềm vui được mùa. Những vùng chúng tôi đi qua, mỗi người dân đều có một câu chuyện riêng để kể về quá trình bén duyên với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của riêng mình. Nhưng có một điểm chung trong các câu chuyện ấy, đó là hầu hết những vườn trồng cây ứng dụng công nghệ cao này đều được nhận chuyển giao kỹ thuật và bao tiêu bởi Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I (Unifarm), chủ đầu tư Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao An Thái.
Dưa lưới do Unifarm trồng từ năm 2010 đã góp phần đánh bật dưa lưới Trung Quốc ra khỏi thị trường Việt Nam, khẳng định giá trị của nông sản Việt Nam. Các sản phẩm chuối của Unifarm xuất khẩu thành công sang các thị trường khó tính như Hàn Quốc và Nhật Bản, với giá ngang bằng với chuối nhập từ các quốc gia có truyền thống trồng chuối lâu đời như Ecuador và Philippines. |
Anh Hải nói: “Không chỉ tại Phú Giáo mà ở nhiều huyện nông nghiệp của Bình Dương như Dầu Tiếng, Bắc Tân Uyên… vốn dĩ ngày nào chỉ gắn với cây cao su thì hôm nay đã vượt lên với những cây trồng có giá trị kinh tế cao, ứng dụng công nghệ trồng trọt hiện đại và đủ tiêu chuẩn để có thể xuất khẩu sang các thị trường khó tính như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore…, góp phần biến những người nông dân truyền thống của Bình Dương trở thành những nông dân toàn cầu, tham gia vào quá trình sản xuất và mua bán quốc tế. Thành quả này đến từ định hướng đúng đắn của tỉnh trong việc đầu tư phát triển các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, mà Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao An Thái ở Phú Giáo là đầu tàu”.
“Nông dân toàn cầu” ư? Tôi nhớ đã dùng khái niệm này để mô tả về Liêm trong bài báo từ tám năm về trước (“Doanh nhân Phạm Quốc Liêm: hoài bão với nền nông nghiệp hiện đại” – 2005). Khi ấy, Liêm, Tổng Giám đốc Unifarm đang miệt mài học và thực hành về nông nghiệp tại nhiều quốc gia như: Mỹ, Israel, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Philippines, Thái Lan… để trau dồi nghề nông nghiệp, đồng thời tìm ra con đường đi riêng cho Unifarm và nông nghiệp Bình Dương. Anh đồng thời là thành viên của Hiệp hội nông dân toàn cầu có trụ sở ở bang Iowa, Hoa Kỳ.
Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao An Thái
“Hôm nay mình phải gặp Liêm”, tôi ngẫm nghĩ và quyết định gọi điện thoại cho anh. Rất may mắn, tôi được anh nhận lời cho một cuộc gặp sau tám năm trời ngay tại Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao An Thái.
Hành trình chưa hề có con đường
Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao An Thái đón chúng tôi bằng một con đường đá đỏ thẳng tắp, hai bên là những cánh đồng chuối bao la, bất tận cùng những mái nhà kính lừng lững, sáng choang trong một ngày nắng rát da, mặc cho mùa mưa đã bắt đầu từ hơn một tháng trước. Cả một khu đất rộng lớn như được phủ trên mình một thảm xanh bất tận, đây đó là những người nông dân đang miệt mài chăm sóc cây trồng và thu hoạch sản phẩm, hòa lẫn trong tiếng động cơ máy cơ giới và tiếng người í ới, nói cười. Xanh ngát, trẻ trung và năng động là những từ khóa hiện ra trong đầu tôi lúc này.
Cùng với chuối, dưa lưới là một sản phẩm nổi tiếng của Unifarm được Liêm và các cộng sự dày công nghiên cứu để tăng sức cạnh tranh trên thị trường
Để giải thích cho cụm từ “chưa hề có con đường”, Liêm kể lại từng câu chuyện một cách chân thành như những cố nhân lâu ngày gặp lại. Cứ như thế, chúng tôi trò chuyện như hai người bạn. Kiến thức sâu rộng của Liêm về nông nghiệp công nghệ cao làm tôi vô cùng bất ngờ. Bởi, anh vốn dĩ xuất thân là chàng sinh viên văn khoa. Tôi hay đùa Liêm “Hoá ra anh chàng kỹ sư nông nghiệp này văn võ song toàn!”. Anh cười ngất, rồi tiếp tục kể cho tôi nghe hành trình 14 năm đầy nắng và gió... |
Khác với hình dung của tôi về một người đã gần mười lăm năm lăn lộn thương trường, Liêm vẫn giữ được thân hình cân đối và khỏe khoắn của một người tập võ (anh hiện là Chủ tịch Liên đoàn Vovinam tỉnh Bình Dương). Bình dị trong bộ đồng phục lao động của Unifarm, anh tiếp chuyện với tôi ngay trong khu nhà đóng chuối của mình.
“Tám năm về trước, khi viết bài “Doanh nhân Phạm Quốc Liêm với hoài bão về một nền nông nghiệp hiện đại”, anh có thực sự tin tưởng về tính khả thi của việc này không?”. Liêm hỏi tôi.
“Tại sao không?” Tôi hỏi lại. “Tại vì khi ấy, trong hành trình mang tên “nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao” chưa hề có con đường”. Liêm trả lời - như câu thành ngữ mà tôi đã từng nghe đâu đó “Trên đời này làm gì có con đường, người ta đi mãi rồi thành đường thôi!”
Phùng Hiếu