Chuối Việt ở trời Tây - Bài 3

Thứ ba, ngày 27/06/2023

(BDO) Bài 3: Nông sản Việt đến với bạn bè năm châu

Những chuyến đi công tác nước ngoài, Phạm Quốc Liêm hay tìm đến các trung tâm thương mại, siêu thị. Anh không đi mua sắm, mà chỉ xem những sản phẩm trái cây của Unifarm được trưng bày trang trọng trên kệ trong siêu thị. Cảm xúc lâng lâng, tự hào lại ùa về. Đúng như anh nói “Làm nông nghiệp công nghệ cao là vì yêu nước!”

Chuối Unifarm tại siêu thị ở Nhật Bản

Lan tỏa hình ảnh đất nước qua chuối

Tôi có quen với anh bạn người Hàn Quốc Lee Dong-Hyun, đang sinh sống và làm việc tại Bình Dương. Anh là chuyên gia công nghệ thông tin cho một công ty Nhật Bản. Lee Dong-Huyn rất bất ngờ khi biết được giống chuối mà anh hay mua về sử dụng với nhãn mác Unifarm lại có nguồn gốc từ Bình Dương. Lee Dong-Huyn nói: “Bình Dương phát triển công nghiệp rất tốt và tôi cũng rất bất ngờ nông nghiệp Bình Dương cũng rất phát triển không kém!”

Điều này cũng không lạ lắm, bởi riêng dòng sản phẩm chuối “made in Unifarm” hiện đang có mặt ở hàng chục quốc gia trên thế giới. Tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Qatar… chuối thương hiệu Unifarm cạnh tranh sòng phẳng và rất được lòng khách hàng nếu so với sản phẩm các quốc gia xuất khẩu hàng đầu như Philippines hay Ecuador.

Liêm tâm sự: “Còn gì tự hào hơn khi sản phẩm nông nghiệp từ Bình Dương nay xuất hiện tại các trung tâm, siêu thị lớn của các quốc gia trên thế giới. Điều đó chứng minh người Bình Dương hoàn toàn có thể làm ra những sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao mang tầm quốc tế”.

Nhưng để đạt được điều này, anh đã từng “ăn dầm nằm dề” tại chợ đầu mối nông sản Seoul-Hàn Quốc hay lặn lội vào tận siêu thị tại Tokyo-Nhật Bản, để rồi anh ngỡ ngàng phát hiện ra sự thật: “Không ai biết chuối Việt Nam và chuối của Unifarm”. Chính điều này đã thôi thúc anh và các cộng sự phải xây dựng hình ảnh chuối Việt Nam trong tâm thức người tiêu dùng toàn cầu. Và, Unifarm đã thành công không những về doanh thu, mà còn quảng bá giới thiệu hình ảnh Bình Dương nói riêng, Việt Nam nói chung đến với bạn bè quốc tế thông qua các sản phẩm nông sản đến từ Unifarm.

Anh Phạm Quốc Liêm vừa dẫn chúng tôi tham quan vừa giới thiệu kế hoạch sắp tới của Unifarm là sẽ chuyển giao công nghệ cho tất cả những người nông dân. Hiện tại nhiều giống cây trồng tại Unifarm đã chuyển giao công nghệ cho người nông dân tại Bình Dương và một số tỉnh, thành trong cả nước. Unifarm quyết định gắn bó với nông dân bằng phương châm “thắng cùng thắng”.

Mỗi hộ nông dân khi quyết định hợp tác với Unifarm, họ thật sự được xem như là đối tác thân cận với cam kết gắn bó lâu dài. Unifarm không hề ở vị trí “trên cơ” mà đồng hành cùng với nông dân từ khâu lựa chọn giống, chuyển giao công nghệ khoa học kỹ thuật lẫn đầu ra bao tiêu toàn bộ sản phẩm.

Thực tế ngành sản xuất nông nghiệp trong nước cho thấy còn rất nhiều bất cập. Điệp khúc được mùa mất giá, được giá mất mùa khiến cho nhiều nông dân bao đời lam lũ vẫn không đủ sống. Từ đó, dẫn tới nền nông nghiệp sản xuất manh mún, phân tán, không tập trung, chất lượng nông sản kém không đủ sức cạnh tranh trên thị trường.

Liêm (đứng, thứ 5 từ phải qua) tại Hội nghị nông nghiệp toàn cầu tại Iowa, Hoa Kỳ năm 2014

Anh Liêm nói thêm, bản thân Unifarm không xem bất cứ ai là đối thủ mà chỉ dày công nghiên cứu để đưa Unifarm trở thành thương hiệu thực phẩm sạch, chất lượng hàng đầu Việt Nam. Xây dựng, mở rộng diện tích nông trại, đầu tư khoa học kỹ thuật, hình thành một mạng lưới sản xuất và cung ứng các mặt hàng nông sản chất lượng cao, an toàn. Tìm hiểu và chinh phục thị trường quốc tế, mang thực phẩm Việt đến bạn bè năm châu. 

Anh nói tiếp: Sứ mệnh này đang cần sự chung tay góp sức đội ngũ các nhà khoa học, các doanh nghiệp có tâm, tầm và chính bản thân của người nông dân cũng cần có sự thay đổi trong tư duy”.

Câu chuyện đang dang dở, đột nhiên anh Liêm cầm lên một nắm đất rồi hỏi tôi: “Anh có tin cây cối cũng biết trò chuyện?”. Tôi ngẩn người, à hoá ra cây cối cũng biết nói chuyện sao?”

Cuộc cách mạng mới cho nông nghiệp, nông thôn

Bỏ mặc sự tò mò của tôi. Anh tiếp tục câu chuyện: Như mẫu đất trên tay tôi cũng có khả năng giao tiếp với con người. Nắm đất này chứa đựng rất nhiều thông tin, trước khi Unifarm cải tạo vùng đất khô cằn này trở nên xanh bạt ngàn, các chuyên gia của Unifarm đã phân tích đất rất kỹ lưỡng. Từ nồng độ bazo, lượng oxy, các nguyên tố hoá học... để có hướng xử lý phù hợp với cây trồng.  

Unifarm đã trở thành thương hiệu thực phẩm sạch, chất lượng hàng đầu Việt Nam (trong ảnh: thu hoạch dưa lưới tại trang trại Unifarm)

Theo anh Liêm, nếu con người đối xử tệ với đất, đất sẽ phản ứng lại, đất trở nên bạc màu, hoang hoá. Đó là cách đất nói chuyện với con người. Tôi lại liên tưởng tới việc sử dụng phân bón hoá học, thuốc trừ sâu vô tội vạ theo thói quen của những người nông dân đã khiến không ít vùng đất màu mỡ phì nhiêu trở thành vùng đất hoang hoá.

Anh kể tôi nghe về người thầy đã dẫn dắt anh vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Hơn 10 năm trước cơ duyên anh gặp được thầy Aviel Sade, một chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao người Israel. Người đã dạy anh rằng: Phải giao tiếp và thể hiện sự tôn trọng với đất để nhận “phúc lành” từ đất. Lúc đó, anh chẳng khác nào đi lạc vào thế giới tâm linh siêu hình nào đó.

Tôi lại tò mò: “Anh giao tiếp với cây trồng bằng cách nào?”. Anh nở nụ cười hiền từ giải thích. Lâu nay, nông dân vẫn xem mình là “người chủ”. Vì là “người chủ” nên họ tác động rất nhiều lên cây trồng mà không cần hỏi ý kiến. Giống như người đang béo phì, mình lại cho thêm đồ ăn chẳng khác nào hại họ. Cây cối cũng vậy, cây sẽ không mạnh khỏe, hạnh phúc khi sử dụng chất kích thích quá liều. Cây cho năng suất cao, không hẳn nó đang hạnh phúc. Cây có hạnh phúc, người tiêu dùng sẽ có hạnh phúc. Hãy lắng nghe cây muốn gì, để có cách ứng xử phù hợp. Một triết lý mới mẻ trong lĩnh vực cây trồng mà tôi mới nghe tới.

Tỉnh Bình Dương đặt mục tiêu đến năm 2025 đưa tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm trên 30%, diện tích đất trồng nông sản đạt tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) chiếm 20%...

Ngẫm lại cũng không sai chút nào? Chẳng phải trong lĩnh vực chăn nuôi, nhiều quốc gia trên thế giới đã kêu gọi phương pháp giết mổ vật nuôi theo hướng nhân đạo. Hạn chế tối đa sự đau đớn của vật nuôi trong quá trình giết mổ, bởi khi hoảng sợ, đau đớn, vật nuôi sẽ tiết ra nhiều độc tố gây ảnh hưởng tới người tiêu dùng? Trong quan hệ đối tác, người ta thích chiến lược “win to win – thắng cùng thắng”. Lẽ nào con người và tự nhiên không thể nào cùng “win to win”?

Liêm (giữa) thảo luận về nông nghiệp với các chuyên gia nông nghiệp thế giới tại Hoa Kỳ

Cuộc trò chuyện của chúng tôi cũng đến hồi kết. Rất nhiều điều mới mẻ trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao mà tôi được anh  chia sẻ? Còn rất lâu mới có thể thay đổi hoàn toàn tư duy và cung cách sản xuất cũ kỹ, lỗi thời của người nông dân. Bất cứ cuộc “cách mạng” nào cũng cần có người “lĩnh ấn tiên phong”. Tôi rất vui vì đã gặp người nhận sứ mệnh “tiên phong” vì nền nông nghiệp xanh sạch, chất lượng cao của tỉnh Bình Dương trong thời hội nhập!

Phùng Hiếu