Tại Hội nghị tổng kết năm học 2010-2011 và triển khai phương hướng năm học 2011-2012 do Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa tổ chức, bên cạnh những nhiệm vụ trọng tâm của năm học mới, có một số điểm đáng lưu ý đối với những ai quan tâm đến sự nghiệp giáo dục. Đó là, bên cạnh việc thực hiện các chương trình hỗ trợ học sinh (HS) nghèo vùng sâu, vùng xa, còn phải quyết tâm thực hiện mục tiêu giúp HS đủ ăn, đủ mặc, đủ sách vở để đến trường và chương trình kiên cố hóa trường lớp. Rõ ràng, với việc thực hiện mục tiêu giúp HS đủ ăn, đủ mặc, đủ sách vở để đến trường là một mục tiêu đầy khó khăn, thử thách nhưng cũng đầy tính nhân bản, mang đậm tình nhân ái cần được sự tham gia của cả cộng đồng. Từ đây, có câu chuyện cổ tích giữa đời thường được viết nên khá cảm động từ những chiếc chuông gió. Từ những chiếc chuông gió trị giá vài ngàn đồng bỗng chốc trở thành có giá trị trên 400 triệu đồng đủ để xây dựng một ngôi trường. Thế là chương trình “Đổi chuông gió lấy ngôi trường” hình thành và phát triển đến nay. Phát động từ cuối tháng 12-2006 trên Tạp chí HTV - Chuông Gió, “Hành trình nối dài truyện cổ tích” hay “Dự án đổi chuông gió lấy một ngôi trường” qua mỗi chặng đường đã thu hút sự quan tâm của độc giả cả nước bằng những câu chuyện cổ tích giữa đời thường với nhiều cung bậc cảm xúc. Theo dõi hành trình, chợt nhận ra rằng mục tiêu của hành trình dường như không chỉ dừng lại bằng một ngôi trường mới cho các bạn HS ở bản Khe Ngài (Quảng Trị) xa xôi. Đó là một hình thức vận động xây trường độc đáo với những con người tâm huyết với sự nghiệp giáo dục rất cần được nhân rộng nhân đầu năm học này.
Riêng tại Bình Dương, trong một vài năm gần đây, mỗi đầu năm học mới, đối với một tỉnh phát triển công nghiệp nóng như Bình Dương, do tăng dân số cơ học nên sức ép tăng sĩ số năm sau luôn cao hơn năm trước đã tạo áp lực lớn đối với các trường. Năm học này, thực hiện chủ trương của bộ, tỉnh tiến hành phổ cập giáo dục ở bậc mầm non trẻ 5 tuổi (bên cạnh việc thực hiện Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường, huy động 100% trẻ 6 tuổi ra lớp được thực hiện thường xuyên từ nhiều năm qua). Vì thế, sức ép tăng số lượng sĩ số HS sẽ là vấn đề càng “nóng hổi” đang phải đối mặt. Bên cạnh nhiều biện pháp tích cực thực hiện theo chủ trương, cũng rất cần sự linh hoạt. Chẳng hạn, đôi khi phải chấp nhận phá chuẩn sĩ số theo tiêu chuẩn một lớp để bảo đảm tất cả trẻ trong độ tuổi đi học đều phải được đến trường. Tích cực thực hiện xây dựng, kiên cố hóa trường lớp cần song hành với việc chuẩn hóa. Xã hội hóa giáo dục, đa dạng hóa hệ thống trường, tạo điều kiện để hướng các mục tiêu xây dựng trường lớp về các vùng sâu, vùng xa, vùng đông dân nhập cư. Tích cực huy động cả cộng đồng cùng quan tâm, tiếp sức trẻ đến trường. Vì thế, rất cần những “chiếc chuông gió” ngân vang đến tận vùng sâu, vùng xa, vang đến những gia đình nghèo, cận nghèo, vùng đông dân nhập cư... để tất cả những em trong độ tuổi đi học đều được đến trường.
DÂN THƯỜNG