Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý theo đề nghị của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cho phép người lao động (NLĐ) làm việc trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, chính trị - xã hội được nghỉ Tết Nguyên đán Tân Mão 2011 trong 8 ngày (từ 31-1 đến hết 7-2, tức từ 28 tháng chạp đến hết mùng 5 tết). Tiếp nhận thông tin này, nhiều ý kiến đã bày tỏ sự ủng hộ, phấn khởi vì thời gian nghỉ lễ nói chung và nghỉ tết nói riêng tiếp tục được cải thiện, giúp NLĐ có thời gian vui chơi, nghỉ dưỡng, tái tạo sức lao động sau 1 năm làm việc mệt nhọc. Dịp tết cũng là thời điểm phù hợp để tăng cường kích cầu đối với các dịch vụ tiêu dùng, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển.
Với lý do nêu trên, trước mắt việc kéo dài thời gian nghỉ tết là cần thiết, tuy nhiên cũng cần tính đến việc sử dụng quỹ thời gian ấy sao cho hiệu quả, tránh lãng phí tiền của cùng bao hệ lụy khác thường gặp trong dịp tết và các ngày nghỉ lễ. Một phần do quá nặng về “lễ nghĩa”, phần khác vì không có kế hoạch vui tết phù hợp nên trong thời gian nghỉ, không ít NLĐ chỉ biết quây quần bên bàn nhậu, từ đó dẫn đến bao điều đáng tiếc như tai nạn giao thông, ẩu đả, nhập viện... Đó là chưa kể, bao tiền của cất công dành dụm cả năm phút chốc bị lãng phí, tan biến trong men say, vào các sòng bài... Do vậy, vấn đề đặt ra là bên cạnh ý thức tự giác của mỗi cá nhân, ngay từ lúc này khi thông báo về lịch nghỉ tết, các cơ quan, đơn vị cũng cần nhắc nhở, định hướng NLĐ về việc vui xuân sao cho an toàn, tiết kiệm, lành mạnh, đúng ý nghĩa. Trong đó, các tổ chức đoàn thể ngay trong chính cơ quan, doanh nghiệp, ngoài việc tuyên truyền, vận động còn có thể năng động tổ chức hoặc phối hợp tổ chức nhiều hơn hoạt động vui tết ý nghĩa cho NLĐ của đơn vị mình.
Từ nay đến Tết Nguyên đán còn chưa đầy 1 tháng, đây là thời gian mà nhiều người đã rục rịch mua sắm, trang hoàng nhà cửa chuẩn bị đón tết. Tuy nhiên, hiện nay cũng đang ở thời điểm đầu năm dương lịch, tức là thời gian bắt đầu nhiều hoạt động quan trọng của năm mới, đặc biệt là tổng kết, rút kinh nghiệm hoạt động năm 2010, triển khai kế hoạch năm 2011. Dù muốn dù không thì tâm lý trông chờ tết cũng ít nhiều đang hiện diện trong mỗi người, do vậy nếu không có biện pháp quản lý chặt chẽ lao động thì thời điểm này sẽ dễ dẫn tới các hiện tượng tùy tiện, sa sút hiệu suất làm việc. Chính tâm lý “năm sắp hết, tết sắp đến” đã làm cho không ít cán bộ - công chức trở nên “thả lỏng”, đủng đỉnh làm việc, dễ gây mất uy tín với nhân dân; tình trạng này xảy ra khá phổ biến và còn kéo dài đến sau tết, rất cần được quan tâm chấn chỉnh nghiêm túc.
Có ý kiến cho rằng, sắp tới nên sớm công bố thời gian nghỉ lễ cả năm (trong đó có nghỉ tết) ngay từ đầu năm để cơ quan, doanh nghiệp và NLĐ tiện sắp xếp việc nghỉ ngơi, vui chơi. Đây là điều cần thiết, nhất là trong thời buổi hội nhập kinh tế quốc tế, quan hệ làm ăn với nhiều quốc gia, đối tác có nhiều phong tục nghỉ lễ khác nhau, cần có sự tính toán, sắp xếp thời gian nghỉ lễ, nghỉ tết một cách chu đáo, khoa học, nếu không sẽ dễ dẫn đến sự quá đà, lãng phí tiền của lẫn thời gian.
V.C