Chuyện những người xây tháp nước Phan Thiết
Thứ bảy, ngày 11/09/2010
Tháp nước được coi là biểu tượng của thành phố Phan Thiết (Bình Thuận).
Nằm ở vị trí trung tâm thành phố, bất kỳ đâu trong khu vực nội thành, du khách
cũng có thể nhìn thấy tháp nước. Đi cùng với lịch sử thành phố Phan Thiết, tháp
nước đã tồn tại gần 80 năm, “chứng kiến” bao sự đổi thay của thành phố xinh đẹp
này. Về lịch sử tháp nước, thì người thiết kế là Xuvanuvông, kỹ sư trưởng Khu
công chánh Nha Trang. Bản thiết kế được đưa ra Công chánh Hà Nội duyệt. khi tổ
chức đấu thầu thì có 4 nhà thầu tham gia. Đó là George Molte, Langlet, Ưng Du
và Huỳnh Văn Đậu. Cuối cùng, ông Ưng Du trúng thầu...Bà Huyền Tôn Nữ Nhung (đã mất vì tuổi cao) lúc sinh sống tại phường Phú
Thủy, Phan Thiết, có lần gặp chúng tôi cho biết: người chú của bà là ông Ưng Du
(tốt nghiệp kỹ sư xây dựng tại Pháp). Sau khi trúng thầu, kỹ sư Ưng Du hợp tác
với nhà thầu phụ Lưu Trọng Cử (sau này là chồng bà Nhung) tuyển chọn trên 50 người
thợ lành nghề ở kinh thành Huế, Quảng Trị, Quảng Bình đáp tàu lửa vào Phan Thiết
thi công công trình...Tháp nước được chọn xây dựng trong vườn hoa Phan Thiết (hồi đó cây vông
ở vườn hoa rất nhiều). Vật liệu xây dựng được nhà thầu Ưng Du chọn lựa rất kỹ
càng. Sắt, thép, xi măng... đều chở từ Sài Gòn ra, sành đưa từ Huế vào bằng xe
lửa để tránh đổ vỡ. Cát, sạn cũng được thợ xây rửa sạch sẽ cạnh sông Cà Ty...
Toàn bộ hơn 50 người thợ chia làm ba tốp, luân phiên thi công tháp gần như suốt
ngày. Họ làm trại ở luôn trong vườn hoa để tiện coi vật liệu xây dựng. Trong
quá trình thi công tháp nước, chỉ duy nhất một lần xảy ra sự cố sập giàn giáo,
làm 16 người thợ bị té từ trên cao xuống, cũng may mọi người chỉ bị thương nhẹ,
điều trị ở nhà thương Phan Thiết vài ngày. Còn mọi việc thi công đều diễn ra
suôn sẻ, nhà thầu Ưng Du và Lưu Trọng Cử hàng ngày thay phiên nhau trông coi
công trình, hướng dẫn 50 người thợ xây tháp theo đúng quy cách bản vẽ thiết kế.
Ông Ưng Du kể lại với vợ người thầu: vị kỹ sư thiết kế đài nước rất giỏi kỹ thuật,
có kiến thức rộng tính toán, chi li đến mức khó lòng lấy bớt sắt, thép. Về tiêu
chuẩn vật liệu xây dựng, kiến trúc sư Xuvanuvông yêu cầu ông Ưng Du chấp hành
quy định sau: sỏi đúc bê tông phải chọn toàn sỏi trắng lấy trên đầu nguồn sông
Cà Ty (khu vực xã vùng cao Hàm Cần, huyện Hàm Thuận Nam ngày nay), rửa đúng 5 lần
cho không còn bụi đất bám. Sắt đổ bê tông phải dùng giấy nhám chà cho hết rỉ
sét. Cát xây đúc cũng phải rửa 3 lần. Tỷ lệ vật liệu cho 1m khối bê tông như
sau: đá: 0,8m khối, xi măng và bột dẻo 50kg. Ván đúc phải bào nhẵn. Thời gian
tháo ván cốt pha là 21 ngày, không được sớm... Như những chú ong miệt mài xây tổ,
cùng với những đôi bàn tay khéo léo tài hoa của người thợ xứ Huế, công trình
tháp nước được xây dựng trong suốt thời gian 6 năm mới hoàn thành (từ năm 1928 đến
năm 1934); bảo đảm chất lượng và mỹ thuật, là công trình mang dáng dấp hiện đại
của Phan Thiết hồi bấy giờ. Tháp có chiều cao từ chân lên đỉnh là 32m, chia làm
2 phần: phần trên là bầu đài (bồn nước) hình bát giác cao 5m, đường kính 9m; phần
dưới là thân đài hình trụ bát giác, cao 22m, đường kính chân tháp 10m; mái che
hình bát giác lợp bằng ngói móc... Thiết thực hơn, tháp nước cung cấp nước sinh
hoạt cho người dân nội thị Phan Thiết và vùng ven. Tháp nước đã đứng vững trước
các trận bão lũ trong thế kỷ qua, là một biểu tượng không thể thiếu được của
thành phố du lịch xinh đẹp Phan Thiết (chỉ có vài lần tu bổ nhỏ về sau).THÁI KHOA