Chuyện thưởng tết

Cập nhật: 06-01-2011 | 00:00:00

Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh mới đây cho biết, mức thưởng tết trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cao nhất là 188 triệu đồng, thấp nhất 1,19 triệu đồng (trung bình là 1,6 triệu đồng/người). Doanh nghiệp Nhà nước cao nhất là 20 triệu đồng, thấp nhất là 1,3 triệu đồng (trung bình là 3 triệu đồng/người). Doanh nghiệp cổ phần cao nhất là 6 triệu đồng, thấp nhất là 2,5 triệu đồng (trung bình là 3,5 triệu đồng/người).

Có thể nói, đây là tín hiệu đáng mừng của các doanh nghiệp sau một năm nỗ lực vượt khó làm ăn. Vậy là năm nay sẽ có thêm nhiều gia đình công nhân, viên chức lao động không phải chật vật với những khoản chi tiêu trong 3 ngày tết. Tiền thưởng tết không chỉ có ý nghĩa quan trọng với những gia đình công nhân, viên chức lao động mà còn có sức lan tỏa cho cả cộng đồng. Công chức có tiền đi chợ mua sắm, vui chơi thoải mái, bà con tiểu thương bán hàng ở chợ cũng được chia sẻ một phần hiếu hỉ; các cơ sở dịch vụ du lịch cũng “ăn nên làm ra” nhờ đón thêm nhiều lượt khách... Cho nên, nhìn từ góc độ lương thưởng cuối năm, hy vọng tết năm nay sẽ có phần sung mãn hơn.

Tuy nhiên, trong niềm vui cũng có những nỗi buồn. Năm nào cũng vậy, mức thưởng tết thường có những khoảng cách chênh lệch. Có doanh nghiệp mức thưởng “đội trần”, có doanh nghiệp phải “giật gấu vá vai” mới lo nổi cho công nhân đủ tiền tàu xe về quê ăn tết. Những ai may mắn được làm việc trong các ngành vốn có nhiều ưu thế thì đủ chi tiêu trong 3 ngày tết. Có người lương hàng tháng còn chưa đủ trang trải cho những khoản chi tiêu tối thiểu, nên chuyện thưởng tết xem ra... quá xa vời! Xin kể đến đó là những công nhân may mặc, giày da, những anh thợ hồ trên các công trình xây dựng... ngày ngày phải lao động cực nhọc trong môi trường đầy hiểm nguy rình rập nhưng lương, thưởng rất bấp bênh.

Trong cơ chế thị trường, để rút ngắn khoảng cách thu nhập giữa các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh là điều khó có thể thực hiện được. Vì thế, nghịch lý này chỉ có thể giải quyết phần nào vào sự chung tay, góp sức của cộng đồng xã hội. Đáp ứng nhu cầu ấy, những ngày cuối năm cũng là những ngày tất bật của các hội, đoàn thể, các tổ chức từ thiện... Họ tự nguyện vận động và đến trực tiếp thăm hỏi, tặng quà nhằm chia sẻ khó khăn với gia đình những công nhân nghèo. Đây là việc làm có ý nghĩa lớn lao, lại được phát động đúng lúc, thể hiện tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, sự cảm thông sâu sắc giữa những người tạm gọi là cùng làm công ăn lương. Một lần nữa, chúng ta cùng nhau hỗ trợ, đóng góp, giải quyết nghịch lý đó và hãy bắt tay vào những việc làm thiết thực để mọi người, mọi nhà đều có một cái tết an vui, hạnh phúc và sum vầy.

MAI HUY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên