Chuyện về 3 tấm gương trong một người thầy

Cập nhật: 17-09-2011 | 00:00:00

Năm học mới 2011-2012 vừa mới bắt đầu với những nhiệm vụ, mục tiêu của năm học mới, đặc biệt vai trò người thầy được quan tâm hơn và cũng yêu cầu cao. Dự khai giảng năm học mới tại một trường THPT hồi đầu tháng 9 này, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã nhấn mạnh: Sự nghiệp giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) là vô cùng quan trọng, mỗi thầy, cô giáo có sứ mệnh thiêng liêng và lớn lao là gánh vác sự nghiệp ấy. Bên cạnh nhiệm vụ phát huy truyền thống dạy tốt, học tốt, người thầy còn phải tích cực giữ gìn phẩm chất người giáo viên, nêu cao tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo. Như vậy, mỗi thầy cô giáo đồng thời thực hiện, phấn đầu, rèn luyện 3 tấm gương: tấm gương đạo đức, tấm gương tự học và tấm gương tự sáng tạo. Cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”  không chỉ là một cuộc vận động lớn trong nhà trường, có nhiều ý nghĩa, mà đồng thời đó cũng là mục tiêu phấn đấu của thầy cô giáo.

Đạo đức nhà giáo hướng tới cách ứng xử của người thầy với một thế hệ. Đối với mình phải trong sạch, luôn rèn cái tâm trong sáng. Đối với người khác phải biết yêu thương, giúp đỡ. Muốn học trò tốt, bản thân thầy cô phải là một tấm gương. Tôi nhớ một người bạn là giáo viên đã có lần tâm sự: “Làm người vốn đã khó, làm thầy lại càng khó. Cái khó không chỉ là chuyện giữ gìn tư cách đạo đức trong nhà trường mà còn là một tấm gương nhân cách ở cả ngoài xã hội”. Mỗi con người vừa “hồng” vừa “chuyên” mà giáo dục hướng đến thì đạo đức, nhân cách là phần “hồng”. Còn tấm gương tự học, tự sáng tạo nhằm giúp người thầy chuyên sâu hơn về chuyên môn nghiệp vụ trong giảng dạy. Việc tự học không chỉ đơn thuần trong các tiết thao giảng, dự giờ mà còn là cả quá trình tự rèn luyện nâng cao trình độ cả về văn hóa, lẫn chuyên môn, nghiệp vụ. Tấm gương sáng tạo giúp người thầy chuyển tải những tri thức đến với học sinh một cách sinh động, hiệu quả, đồng thời có những sáng kiến kinh nghiệm cùng trao đổi vận dụng trong toàn ngành. Đổi mới giáo dục, đổi mới phương pháp giảng dạy là xu thế, là yêu cầu bức thiết nhằm góp phần thực hiện chủ trương hiện đại hóa, công nghiệp hóa của đất nước và  hội nhập quốc tế. Vì thế, mỗi thầy cô giáo, trong mỗi công việc, mỗi giờ lên lớp luôn có sự trăn trở, tìm tòi, sáng tạo, đổi mới tư duy sư phạm, phương pháp dạy học.

Tuy nhiên, vẫn còn những người làm một cái nghề cao quý là nghề giáo phải rơi nước mắt chua chát cho thân phận mình. Mấy hôm nay, vụ một số cô giáo mầm non xin nghỉ việc được các báo, đài thông tin, lòng không khỏi bùi ngùi. “Nhìn những giọt nước mắt lăn trên gương mặt khắc khổ của các cô giáo mầm non Mậu Lâm (Như Thanh - Thanh Hóa) vì buộc phải bỏ việc do thu nhập một tháng chỉ trên dưới 500.000 đồng, dư luận không thể không bức xúc”. Thực tế, nhiều thầy cô giáo suốt cả đời cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, khi về hưu vẫn chỉ với hai bàn tay trắng vì xứng danh 2 tiếng “thanh cao”...

Nhà nước có nhiều chính sách ưu đãi đối với đội ngũ trí thức này, tuy nhiên với ngân sách eo hẹp, làm sao cho nhà giáo sống được bằng đồng lương và có thể nuôi sống gia đình vẫn đang là bài toán khó giải. Dù thế nào, thiết nghĩ xã hội sẽ đồng tình nếu thầy cô giáo được quan tâm và có chế độ đãi ngộ tương xứng trước những yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp trồng người. Ngành GD-ĐT đã và đang không ngừng đổi mới nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Chính đội ngũ thầy cô giáo là nhân tố quyết định chất lượng giáo dục như lời của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: “Sự nghiệp GD-ĐT là vô cùng quan trọng, mỗi thầy, cô giáo có sứ mệnh thiêng liêng và lớn lao là gánh vác sự nghiệp ấy”.

DÂN THƯỜNG

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên