Chuyện về hưu

Cập nhật: 04-10-2010 | 00:00:00

Sáng nay dậy sớm, nhìn vào gương thấy tóc đã nhiều sợi bạc. Hàng cây ngoài vườn, những chiếc lá nhè nhẹ rơi theo cơn gió mùa thu cũng làm cho lòng ta bất giác bồi hồi. Cuộc đời sao cũng giống bốn mùa. Nhìn lại ta, đời đã vào thu. Lúc này,  trời đang hừng đông mà đời ta lại đang xế bóng. Chuyện sinh, lão, bệnh, tử theo thuyết nhà Phật cũng đúng thay, khi ta đang bước vào giai đoạn của “lão”. Tháng trước, ra đường cô bé bán trà còn gọi bằng “chú”, hôm qua đã đổi giọng xưng hô, gọi thay là “bác”. Sự vô tư của cô bé cũng làm cho ta ít nhiều cảm nhận được tuổi tác của mình. Thôi thì đó cũng là quy luật. 

 Hôm trước, trong bữa tiệc chia tay một anh bạn về hưu, thật xúc động khi nhớ lời của người “giã từ vũ khí”: “Tuy về hưu nhưng cuộc sống của tôi vẫn gắn bó với nơi này. Tuổi xế bóng  nhưng lòng vẫn bình minh. Nhưng điều khó khăn đối với tôi đó là làm sao để dễ dàng thích nghi với cuộc sống “thiếu cơ quan”. Vì nơi này là tổ ấm thứ hai của tôi”.

Điều mà anh bạn nói, cũng là tâm trạng chung của nhiều người ăn lương Nhà nước, vì đến tuổi phải về hưu theo quy định. Sự khó khăn nhất đối với họ là làm thế nào để thích nghi được với môi trường mới, tập làm quen để không còn cảnh “sáng cắp ô đi chiều cắp về”. Người bị stress trong giai đoạn này không phải là chuyện hiếm. Đặc biệt, với những người đi làm có kẻ đưa người đón, giờ thui thủi một mình, thậm chí ngày trước có chức có quyền, gọi một tiếng hàng chục kẻ “dạ, vâng”, giờ gọi chục tiếng không một người “bắt máy”... Nhưng điều làm cho những người về hưu lo lắng nhất lại là sức khỏe bản thân. Có người nhà than thở: “Ngày trước, có sức Nhà nước hưởng, giờ về hưu mất sức, gia đình lãnh”. Hôm tháng 9, dự họp mặt đám bạn học thời phổ thông giờ đứa nào tóc cũng đã hoa râm. Thủ tục đầu tiên là “điểm danh” xem một năm qua ai còn ai mất. Thêm hai bạn đã “ra đi”. Cái chuyện sống chết giờ sao ngắn chẳng tày gang. 

Thực tế, nhiều người cao tuổi nói chung, người về hưu nói riêng đã vượt lên trên tuổi tác để sớm thích nghi với môi trường mới vẫn sống vui, sống khỏe, sống có ích và đã có nhiều đóng góp cho xã hội tùy theo khả năng của mình. Ở các khu dân cư, họ là những hạt nhân trong các phong trào xây dựng cuộc sống mới, xây dựng khối đoàn kết... đấu tranh với cái xấu, lạc hậu. Do có kinh nghiệm sống, họ được tin tưởng và được tham vấn nhiều vấn đề trong cuộc sống, cũng như trong hòa giải. Trong gia đình, họ là thế hệ đi trước được con cháu kính yêu, nể trọng, giúp con cháu nhiều ý kiến quan trọng, chăm sóc cháu, giữ gìn nhà cửa, chăm sóc vườn tược... Tuy nhiên, người cao tuổi cũng rất cần được quan tâm chăm sóc nhiều hơn về các chế độ chính sách với người cao tuổi nói chung, người hưu trí nói riêng là làm sao có lương hưu đủ sống, để không lệ thuộc vào con, cháu. Có các chế độ chăm sóc y tế đặc biệt vì tuổi trẻ của họ đã cống hiến hết cho xã hội, giờ sức khỏe kém họ cần được chăm sóc nhiều hơn với các chế độ nghỉ dưỡng tốt hơn. Trong cuộc sống, ai rồi cũng phải đến giai đoạn này. Hôm nay chúng ta chăm sóc người cao tuổi tốt hơn thì ngày mai thế hệ con cháu sẽ chăm sóc ta chu đáo hơn nữa.

DÂN THƯỜNG

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên