Cơ hội Bình Dương nâng tầm vị thế

Cập nhật: 04-12-2023 | 18:47:26

(BDO) Tại phiên họp chủ đề "Châu Á thúc đẩy sự chuyển đổi kinh tế của thế giới” diễn ra ngày 4-12 trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác kinh tế Horasis châu Á 2023 tổ chức tại Bình Dương, các diễn giả đã nhận diện những thách thức chính để đưa ra giải pháp duy trì quỹ đạo tăng trưởng và thúc đẩy phát triển bền vững của các quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam. Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng được đánh giá sẽ có bước nhảy vọt, bắt kịp các nước trong khu vực nếu khắc phục được vấn đề về hạ tầng, cùng với đó lộ trình phát triển công nghiệp công nghệ cao cần được vạch ra cụ thể.

 

 Các diễn giả tham gia ý kiến tại phiên họp chủ đề “Châu Á thúc đẩy sự chuyển đổi kinh tế của thế giới”

Nhận diện cơ hội và thách thức

Tại phiên họp toàn thể chủ đề “Châu Á thúc đẩy sự chuyển đổi kinh tế của thế giới”, dựa trên dữ liệu mà các quốc gia châu Á đã công bố sự phát triển kinh tế đa dạng gần đây, các diễn giả đã đặt ra câu hỏi làm thế nào để đưa ra lời khuyên kinh tế và quản lý các lựa chọn phát triển có thể áp dụng được ở tất cả các quốc gia.

Các diễn giả cũng đưa ra vấn đề thúc đẩy sự phát triển của các nước tốt nhất thông qua ASEAN, trong đó có Việt Nam.

Hơn 40 năm sinh sống tại Việt Nam, ông Johan Nyvene, Chủ tịch Công ty Cổ phần Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh cho rằng, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam 20 năm qua như là sự kỳ diệu. Sự lột xác của Việt Nam được đo bằng thước đo là đời sống người dân được nâng cấp lên tầm cao. Tầng lớp trung lưu tại Việt Nam ngày càng mở rộng.

Bên cạnh lao động giá rẻ, tầng lớp trung lưu là động lực thúc đẩy kinh tế phát triển. Sản phẩm xuất khẩu cũng được nâng tầm về hàm lượng công nghệ. Việt Nam đang dần trở thành nền kinh tế có tầm quan trọng trong khu vực và châu Á.

Tuy nhiên, một vấn đề cần chú trọng là hạ tầng của Việt Nam chưa phát triển đầy đủ do vị trí địa lý và đặc điểm địa lý. Việt Nam chưa phát triển tàu cao tốc. Việt Nam cũng cần đẩy mạng việc quản lý hạ tầng, bao gồm hạ tầng giao thông, cảng biển và cơ sở dữ liệu.

Về vấn đề số hóa, Việt Nam cần học tập các nước có cơ sở dữ liệu lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc. 

Ông Colley Hwang, Chủ tịch - Giám đốc điều hành Digitimes (Đài Loan, Trung Quốc) cho biết Việt Nam có thể học tập Đài Loan khi tổ chức cho các khu công nghiệp liên kết với các trường đại học rất chặt chẽ. Qua đó thúc đẩy chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ.

“Chúng tôi cũng thúc đẩy sự phát triển công nghệ trong doanh nghiệp vừa và nhỏ. Vừa qua chúng tôi khảo sát các quốc gia nhập máy nhập chip nhiều nhất của Đài Loan để đánh giá quá trình phát triển công nghiệp công nghệ cao này. Qua đó cho thấy Trung Quốc đứng đầu, Việt Nam đứng thứ 5. Điều này khiến chúng tôi nhận định rằng trong 5 năm tới Việt Nam sẽ phát triển cao về công nghiệp điện tử. Việt Nam cần hiểu rằng công nghệ bán dẫn là công nghiệp khó, phát triển chuỗi cung ứng ngành công nghiệp bán dẫn và phải có một lộ trình phát triển chứ không thể nôn nóng.

Việt Nam cần phải phát triển an ninh năng lượng, nâng cao vai trò của doanh nghiệp với vấn đề môi trường và phát triển thị trường mới”, ông Colley Hwang cho biết.

Về cơ hội của doanh nghiệp, các diễn giả cùng chung một nhận định rằng môi trường, xã hội và quản trị (ESG) đã trở thành xu hướng chủ đạo và được công nhận rộng rãi là một phần thiết yếu trong hoạt động của doanh nghiệp. Vì vậy, không ngạc nhiên khi ESG hiện được xem là mối quan tâm hàng đầu của ban lãnh đạo doanh nghiệp ở châu Á. Khi thực hành đúng, ESG sẽ giúp các doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn nổi cộm nhất ở thời điểm hiện tại và nắm bắt cơ hội tốt nhất trong tương lai.

Tuy nhiên, với phạm vi bao quát rộng, ESG sẽ mang ý nghĩa khác nhau tại mỗi tổ chức. Vì vậy, để nhìn nhận đầy đủ tiềm năng mà ESG đem lại, cần gắn khái niệm này với chiến lược của tổ chức, từ đó cải tiến mô hình kinh doanh của doanh nghiệp.

Đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho phát triển

Bàn về cơ hội của Bình Dương trong hành trình “bước ra” thế giới, ông ông Johan Nyvene nhấn mạnh rằng sau những chiến lược phát triển bền vững, Bình Dương cần đi sâu vào các vấn đề trọng tâm. Việc xây cái nhà, con đường chỉ là bước ban đầu tạo động lực cho người dân, doanh nghiệp tin vào định hướng phát triển. Bước tiếp theo Bình Dương cần đẩy mạnh các giải pháp để quản lý rủi ro, thách thức đặt ra cho tiến trình phát triển.

  Các đại biểu trao đổi sôi nổi bên lề phiên họp 

Bà Lisa Botos, Giám đốc sáng lập MMBP Private Partners (Singapore) cho rằng văn hóa là công cụ mà trước đây các nhà hoạch định chính sách kinh tế xem nhẹ. Tuy vậy, qua phát triển thì nhận ra mọi hợp tác kinh tế, phát triển đều có phủ lên một lớp văn hóa. Đó là yếu tố gián tiếp thúc đẩy mọi sự hợp tác.

“Để tiếp cận nhiều hơn hình ảnh về đất nước, địa phương cần thông qua văn hóa. Bình Dương thật sự là bước chuyển ngoạn mục trong việc hợp tác phát triển, quảng bá kinh tế thông qua thương hiệu, bản sắc của địa phương.

Trong thời gian tới, Bình Dương cần tăng cường quảng bá bản sắc, tiềm năng con người, định hướng đến tăng trưởng lâu dài. Trong đó, văn hóa doanh nghiệp cũng là hướng cần phát triển. Khuyến khích phát triển văn hóa để đóng góp giá trị cho các ngành, cho hệ sinh thái.

Bình Dương cũng cần mở ra lễ hội, sự kiện, trưng bày, sản phẩm, tăng cường vốn văn hóa của không gian đô thị. Tất cả kết nối với nhau trong không gian văn hóa, tạo ra những ý tưởng mới đa chiều, tầm nhìn dài hạn  theo định hướng có sẵn”, bà Lisa Botos nhấn mạnh.

 Ông Johan Nyvene thông tin, tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP26), Việt Nam đã để lại dấu ấn quan trọng khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính công bố loạt cam kết về ứng phó với biến đổi khí hậu. Điều này sẽ có tác động đáng kể đối với quá trình chuyển dịch năng lượng quốc gia sang trung hòa carbon và sẽ đòi hỏi việc tái cơ cấu toàn bộ nền kinh tế.

Tiểu My

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1272
Quay lên trên