Có kềm được giá?

Cập nhật: 18-11-2010 | 00:00:00

Bắt đầu từ giữa tháng 11, một mặt bằng giá mới đã hình thành. Thông tin này trên nhiều tờ báo cho hay đã gây choáng cho người tiêu dùng. Đợt tăng giá này tập trung vào nhóm hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm đóng hộp; thịt heo, bò, gà; đồ uống, bánh kẹo... với mức tăng từ 5 - 7%. Và thực tế, tại các chợ lẻ trên địa bàn tỉnh những ngày gần đây, giá cả nhiều loại lương thực thực phẩm đang biến động mạnh.

Dò hỏi, giới tiểu thương giải thích, giá các loại rau, củ, quả tăng cao từ 5.000 đến vài chục ngàn đồng/kg là do đợt mưa lũ vừa rồi ở miền Trung. Giao thông ách tắc, vận chuyển khó khăn, hàng khan hiếm... Không chỉ có hàng thực phẩm, các mặt hàng thiết yếu khác cũng đang tăng giá từng ngày. Hàng hóa sản xuất trong nước đã vậy, thực phẩm nhập khẩu cũng đâu kém cạnh. Các đầu mối nhập khẩu thực phẩm cho biết, từ đầu tháng 10 đến nay, giá thực phẩm nhập khẩu đã tăng mạnh, đặc biệt với thịt gà, thịt bò nhập từ Úc, Argentina, Mỹ... Tương tự, so với năm ngoái, giá thịt bò, thịt heo nhập khẩu cũng tăng thêm hàng trăm USD/tấn.

Thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, các địa phương đã có những động thái nhằm bình ổn giá cả hàng hóa, nhất là vào thời điểm cuối năm, cận tết như hiện nay. TP.Cần Thơ, tỉnh Vĩnh Long chủ trương tạm ứng ngân sách cho các doanh nghiệp trên địa bàn dự trữ hàng hóa, bình ổn giá dịp cuối năm và phục vụ Tết Nguyên đán 2011. Song song đó, các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguồn vốn này, bảo đảm việc sử dụng vốn để dự trữ hàng hóa, chất lượng an toàn với giá hợp lý và ưu tiên dự trữ hàng trong nước sản xuất để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Ở Bình Dương, với chức năng của mình, ngành công thương đã xây dựng kế hoạch quản lý, bình ổn giá cả và dự trữ hàng hóa. Riêng với 8 nhóm hàng hóa thiết yếu, ngành cũng đã thực hiện dự trữ. Một số doanh nghiệp bán buôn tham gia chủ trương bình ổn giá của tỉnh cam kết thực hiện giữ giá bán bình ổn luôn thấp hơn so với sản phẩm cùng loại trên thị trường. Sở Công Thương cũng sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát chặt tình hình cung - cầu, giá cả và chống đầu cơ tích trữ, thu gom, ghim hàng, tạo khan hiếm hàng hóa giả tạo...

Việc giá tăng vào thời điểm cuối năm, cận tết đâu phải là chưa có tiền lệ. Lâu nay, cứ mỗi lần Nhà nước điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu, thì giá cả lại “leo thang”. Rốt cuộc, giới công chức và người lao động trong doanh nghiệp, công ty là những người chịu thiệt. Năm nay, Chính phủ yêu cầu và chỉ đạo quyết liệt việc bình ổn giá cả thị trường. Và, bình ổn giá cả, điều tiết thị trường là việc làm cấp thiết, đòi hỏi nhiều nỗ lực của ngành chức năng nhất là vào thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn còn băn khăn đặt câu hỏi: Liệu có kềm được giá?

 

-NHẬT HUY

 

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên