Cội nguồn và hào khí

Cập nhật: 19-04-2024 | 08:16:57

Hôm qua (10-3 AL), cùng với cả nước, trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã diễn ra nhiều hoạt động nhân dịp Giỗ tổ Hùng Vương. Những hoạt động nói trên bên cạnh tỏ lòng biết ơn đối với tiền nhân, còn nhắc nhở các thế hệ hôm nay hướng về cội nguồn dân tộc. Những hoạt động nhân dịp Giỗ tổ Hùng Vương trên địa bàn tỉnh không chỉ ghi nhớ công lao của các Vua Hùng mà còn là cơ hội để gắn kết, duy trì và phát huy các giá trị truyền thống của dân tộc; góp phần bồi đắp tinh thần, tình cảm và hào khí Việt Nam cho các thế hệ hôm nay, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ.

Mặc dù không xếp vào chính sử, nhưng câu chuyện “con rồng, cháu tiên” vẫn được con dân đất Việt thuộc nằm lòng từ lúc chưa đến trường thông qua truyền miệng. “50 người con theo mẹ lên núi và 50 người con theo cha xuống biển” chính là cội nguồn, thể hiện tinh thần đoàn kết dân tộc gắn bó keo sơn. Dù sinh sống ở miền xuôi hay miền ngược thì tất cả dân tộc Việt Nam đều là anh em một nhà, chung một mẹ sinh ra. Đây chính là nét độc đáo về cội nguồn của dân tộc Việt Nam và cũng chính từ sự độc đáo này đã hình thành và hun đúc hào khí Việt Nam.

Từ thời Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê, Nguyễn hào khí Việt Nam đã được khẳng định. Trong nhiều thời điểm của chuỗi dài lịch sử dân tộc, khi đất nước phải tập trung chống giặc cứu nước, đã xuất hiện rất nhiều những tấm gương dũng liệt, thể hiện hào khí Việt Nam. “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển khơi, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang sơn...” là câu nói bất hủ thể hiện hào khí Việt Nam của Bà Triệu. Đó là khí phách của Trần Bình Trọng “Ta thà làm ma nước Nam chớ không thèm làm vương đất Bắc”, hay khẳng định của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, người ba lần cầm quân đánh thắng quân xâm lược phương Bắc, khi trả lời vua Trần Nhân Tông: “Nếu bệ hạ muốn hàng, xin hãy chém đầu thần trước đã”; là khí phách của Trần Thủ Độ khi trả lời vua Trần: “Đầu thần chưa rơi xuống đất, thì bệ hạ đừng lo”. Đó còn là chiến thắng Chương Dương, Hàm Tử, Tây Kết, Bạch Đằng… khiến kẻ thù xâm lược phải “vỡ mật kinh tâm”...

Hào khí Việt Nam còn thể hiện qua 59 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm” trên chiến hào Điện Biên Phủ; là 81 ngày đêm chiến đấu giữ thành cổ Quảng Trị; là những trận chiến cam go ở các “chảo lửa” Khe Sanh, Vĩnh Linh, Hàm Rồng, Buôn Ma Thuột, cầu Rạch Chiếc... Tiễn quân xâm lược, dù là một nước liền núi, liền sông với nước Việt hay cách nửa vòng trái đất đều bằng hào khí Việt Nam của những con người Việt Nam. Bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước là một chuỗi dài những đỉnh cao chống ngoại xâm, giành độc lập cho dân tộc, nhưng có lẽ những tháng năm chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ là đỉnh cao của những đỉnh cao, hào khí của những hào khí, đưa Việt Nam trở thành địa danh “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Nhân dịp Giỗ tổ Hùng Vương, nhắc lại cội nguồn dân tộc và hào khí Việt Nam là để con dân nước Việt thêm tự hào, từ đó đoàn kết, chung sức, chung lòng vượt qua khó khăn thử thách, đưa đất nước vươn lên và ngày càng cường thịnh, có thể sánh vai cùng các nước, các dân tộc trên thế giới, như sinh thời Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn.

LÊ QUANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=587
Quay lên trên