Cởi “nút thắt” cho giải phóng mặt bằng

Cập nhật: 23-03-2023 | 08:34:05

Một trong những khó khăn, vướng mắc nhất hiện nay đối với lĩnh vực đầu tư công là công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) cho các dự án đầu tư. Mặc dù đã có nhiều giải pháp, từ cơ chế chính sách đến công tác dân vận nhưng tại các dự án đầu tư công, “nút thắt” trong GPMB vẫn đang gây trở ngại lớn trong quá trình thực hiện, là một trong những nguyên nhân khiến cho giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt kế hoạch đề ra.

Thông thường, sau khi các dự án đầu tư công đã có chủ trương, hoàn thiện các hồ sơ, pháp lý, lúc này công tác GPMB cho dự án bắt đầu mới được thực hiện. Để hoàn thiện hồ sơ pháp lý dự án, các chủ đầu tư cũng đã phải trải qua nhiều khâu, nhiều bước theo quy trình, mất khá nhiều thời gian. Vậy nhưng đến khi bước vào giai đoạn GPMB, nhiều dự án gặp khó khăn, thậm chí có dự án “dậm chân tại chỗ”. Việc chậm trễ này gây ảnh hưởng tiến độ giải ngân, đội vốn đầu tư công, không đạt mục tiêu như dự kiến ban đầu.

Thực tế cho thấy, GPMB là công việc rất phức tạp, mất nhiều thời gian, đặc biệt là do liên quan đến cuộc sống người dân có nhà, đất bị giải tỏa. “Nút thắt” trong công tác GPMB là do các hộ dân trong vùng giải tỏa của dự án chưa chấp nhận phương án đền bù. Theo quy định, đối với các dự án đầu tư công, sử dụng vốn ngân sách khi GPMB, chính sách bồi thường cho người dân bị thiệt hại cần phù hợp, tương đương với thị trường và theo hướng tốt hơn. Tuy nhiên, để thực hiện điều này cũng không dễ, do hiện nay quy định đơn giá bồi thường đất đai chưa sát và theo kịp với giá thị trường. Điều này khiến người dân chưa đồng thuận, chưa chấp nhận giải tỏa, di dời, bàn giao mặt bằng.

Để cởi “nút thắt” này, thời gian qua nhiều giải pháp đã được chính quyền các địa phương thực hiện nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công như GPMB đến đâu, thi công đến đó; tuyên truyền, vận động, thuyết phục và thậm chí là cưỡng chế... Tuy nhiên, đây cũng chưa thể là các giải pháp hữu hiệu để tháo gỡ “nút thắt” GPMB, mấu chốt vẫn là giá bồi thường nhà đất bị giải tỏa sao cho sát với thực tế, công bằng giữa những người bị thu hồi đất với các giao dịch mua bán, chuyển nhượng trên thị trường. Đây cũng là nội dung nhận được rất nhiều sự quan tâm của người dân trong quá trình lấy ý kiến cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Làm sao để xây dựng khung giá bồi thường phù hợp với giá thực tế thị trường cũng chính là giải pháp căn cơ để tháo gỡ “nút thắt” cho công tác GPMB.

 ĐÀM THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên