Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát vừa có văn bản đề nghị Bộ Tài chính xem xét bãi bỏ những loại phí, lệ phí kiểm dịch thú y đang “trói” con gà, quả trứng trước khi đến được tay người tiêu dùng. Dường như Bộ Tài chính cũng đồng tình với đề nghị này khi cho biết, sau khi có ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bộ này dự kiến sẽ bãi bỏ 31 khoản phí, lệ phí quy định trong Thông tư 04 năm 2012 liên quan đến công tác kiểm dịch thú y nói chung.
Tiếp nhận thông tin trên chắc hẳn người chăn nuôi trong cả nước, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh gia súc, gia cầm thở phào bởi lâu nay họ phải chịu những loại phí, lệ phí bất hợp lý áp đặt lên ngành nghề sản xuất, kinh doanh của mình. Nhiều người chăn nuôi và cơ sở giết mổ, kinh doanh sản phẩm gia cầm cho biết thêm rằng con gà, quả trứng không chỉ bị 14 loại phí, lệ phí “đè” mà còn nhiều loại phí, lệ phí khác cần bãi bỏ.
Theo ước tính của Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ, dù chưa thống kê hết nhưng các loại phí, lệ phí đánh trên con gà chiếm khoảng 5% giá thành chăn nuôi. Không chỉ là tiền mà các loại phí, lệ phí còn đi kèm cả sự phức tạp về thủ tục, mất thời gian của cả người chăn nuôi lẫn doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm này. Một ví dụ điển hình mà ông Âu Thanh Long, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ đưa ra để minh chứng cho sự vô lý của các loại phí, lệ phí rằng, một con gà đã được đóng phí kiểm dịch khi xuất bán lại phải đóng phí khi vào trung tâm giết mổ. Cũng con gà đó sau khi giết mổ xuất đi cũng tiếp tục đóng phí kiểm dịch. Không chỉ có vậy, các bộ phận của con gà khi phân loại đóng gói bao bì lại tiếp tục phí chồng lên phí…
Cũng theo các nhà sản xuất, kinh doanh, chính từ các loại phí, lệ phí bất hợp lý đó mà quá trình chăn nuôi, kinh doanh của nông dân và các nhà kinh doanh sản phẩm gia cầm chịu quá nhiều thiệt thòi không đáng có. Người tiêu dùng cũng bị “vạ” lây khi chịu giá sản phẩm tăng cao.
Sản phẩm nông nghiệp Việt Nam nói chung, người chăn nuôi nói riêng bao lâu nay miệt mài mà vẫn không khá lên được. Bỏ bớt các loại phí, lệ phí bất hợp lý “đè” lên các loại nông sản chính là cách tăng thêm lợi nhuận cho họ. Vấn đề lớn hơn chính là kích thích tăng trưởng sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông sản Việt trong nền kinh tế thị trường vốn rất khốc liệt trước các loại nông sản nhập ngoại!
CẢNH HƯỞNG