Côn Đảo là một hòn đảo mang vẻ đẹp hoang sơ, biển xanh ngắt và những bãi cát trãi dài, trắng mịn óng ả hiện ra dọc đường về trung tâm thị trấn. Bài viết của bạn Phan Quốc Vinh.
Rời TP.HCM vào buổi sáng nắng nhẹ, chúng tôi hướng về Côn Đảo, địa danh với 16 hòn đảo nhỏ xinh đẹp. Càng đến gần Côn Đảo, trong lòng chúng tôi chúng tôi càng cảm thấy rạo rực, xen lẫn cảm giác hồi hộp, khó tả. Khi cơ trưởng chuyến bay thông báo máy bay chuẩn bị hạ độ cao để đáp xuống sân bay Côn Sơn thì chúng tôi không ai bảo ai đều cố nhoài người nhìn ra ngoài qua những khung cửa sổ nhỏ để ngắm nhìn quang cảnh phía dưới.
Côn Đảo đã hiện ra ngày một rõ trong mắt chúng tôi. Nhìn từ xa ở trên cao, Côn Đảo trông như một chú gấu biển dũng mãnh đang săn mồi. Không hiểu để chào hòn đảo thân yêu hay để chiều lòng du khách, chiếc máy bay trước khi đáp còn luợn một vòng trên không trung. Nhờ vậy chúng tôi có thể chỉ cho nhau xem những đàn sơn dương đang nhảy trên vách đá dựng đứng hay từng đàn chim quây quần trên ngọn cây khu rừng phía dưới.
Biển xanh ngắt ở Côn Đảo.
Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi về Côn Đảo là một hòn đảo mang vẻ đẹp hoang sơ. Biển xanh ngắt và những bãi cát trãi dài, trắng mịn óng ả hiện ra dọc đường chúng tôi đi về trung tâm thị trấn. Không khí trong lành cùng với tiếng sóng biển rì rào khiến mọi người đi dường như quên hết mệt mỏi, thay vào đó chỉ còn thấy tiếng nói cười và những lời khen tặng dành cho cảnh đẹp của hòn đảo nhỏ này.
Háo hức theo chân chị hướng dẫn viên du lịch bắt đầu cuộc “hành trình” quay lại với lịch sử cách đây mấy chục năm. Địa điểm đầu tiên chúng tôi đến là Nhà Chúa Đảo, được xây dựng từ cuối thế kỷ 19, đây là nơi thực hiện sự cai trị hà khắc của 53 đời Chúa đảo, trong đó có 39 đời Chúa đảo người Pháp và 14 đời Chúa đảo người Việt.
Hiện nay nơi đây là Nhà trưng bày di tích lịch sử nhà tù Côn Đảo. Những bức ảnh, những hiện vật ở đây tái hiện lại một phần sự áp bức, tra tấn dã man mà các chiến sĩ cộng sản phải chịu đựng trong thời gian bị giam cầm tại đây. Trước khi rời nhà trưng bày, chúng tôi còn được nhận một chiếc huy hiệu lưu niệm do những nữ nhân viên ở đây tự tay đeo cho mỗi người cùng với lời cảm ơn và hẹn gặp lại.
Cạnh nhà giam cầm “buồng đơn” và “buồng đôi” còn thấy được tấm bia ghi những dòng suy tư của cụ Phan Bội Châu với bài thơ “Đập đá ở Côn Lôn”:
“…Những kẻ vá trời khi lỡ bước
Gian nan chi kể chuyện con con...”
Sau khi rời nhà Chúa đảo, chúng tôi được đi tham quan hệ thống nhà tù của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Ở bên ngoài, nắng vẫn chói chang, nhưng trong khu trại giam, tất cả, kể cả thời gian dường như ngưng đọng lại, tất cả toát lên một vẻ tăm tối và âm u mà những ai yếu bóng vía chắc chắn không khỏi ớn lạnh.
Trong đoàn chúng tôi, ai cũng xúc động và bồi hồi khi tận mắt được nhìn thấy nơi giam cầm các chiến sĩ cách mạng, trong đó có những tên tuổi mãi gắn với lịch sử của cách mạng Việt Nam. Những phòng giam tập thể với cùm sắt, dây kẽm gai đến những xà lim đá ngột ngạt hay “hầm xay lúa”, “hầm phân bò” cho những tử tù, tất cả đều hằn lên những vết thương của cuộc đấu tranh.
Rời khỏi cổng trại tiếp tục hành trình, chúng tôi ngoái nhìn lại một lần nữa những ngôi nhà mái ngói, những bức tường đá, những cánh cổng sắt nặng nề vẫn vững chãi trước bốn bề lộng gió mà cảm thấy thật tự hào trước khí phách của các chiến sĩ cộng sản đi trước.
Đến với Nghĩa trang Hàng Dương, nơi yên nghỉ của hơn hai vạn tù nhân đã nằm xuống nơi này. Chúng tôi thật xúc động khi được tận mắt nhìn thấy hàng ngàn ngôi mộ chỉ đơn giản có một tấm bia đỏ gắn ngôi sao vàng năm cánh, bởi vì các chiến sĩ hy sinh mà giờ đây không thể tìm được tên tuổi để trả lại cho các anh, các chị.
Ngày hôm sau, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình. Dường như sự háo hức của chuyến đi về nguồn đã tiếp thêm sức mạnh khiến mọi người quên đi hết mệt mỏi. Ở mỗi địa điểm đến thăm, chúng tôi càng có dịp được chứng kiến và hiểu rõ hơn ý nghĩa, giá trị của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và càng thấy được trách nhiệm của mình trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc cũng như trong cuộc sống ngày hôm nay.
Mặt biển với ánh trăng lấp lánh như dát bạc, từng đoàn thuyền với soi đèn đánh cá ngoài khơi nhìn như những ánh sao nhỏ xíu nơi chân trời. Đêm hôm đó, chúng tôi cứ thao thúc mãi dường như không ai muốn ngủ để tận hưởng trọn vẹn cái khoảng khắc ngọt ngào và êm đềm này.
Mấy ngày về nguồn nhanh chóng trôi qua, chúng tôi lưu luyến tạm biệt Côn Đảo, tạm biệt các anh hùng liệt sỹ, những di tích lịch sử và cả những tán lá bàng biển rợp bóng mát mà tấm lòng của chúng tôi sẽ còn lưu lại mãi nơi đây. Và trời hôm ấy xanh, xanh lắm. Xanh như những ước mơ mà chúng tôi đã mang theo khi rời mảnh đất lịch sử này...
(THEO VNE)