Mỗi ngày cả nước có khoảng 30 người tử vong vì tai nạn giao thông (TNGT) cùng với hàng trăm người bị thương tật suốt đời. Điều đó đồng nghĩa với việc mỗi năm có thêm nhiều gia đình Việt Nam gánh chịu sự mất mát, đau thương do TNGT. Con số đau lòng này ngành chức năng đã thống kê được sau nhiều năm theo dõi tình hình TNGT ở các địa phương trong cả nước.
Số người bị tử vong và bị thương tật vì TNGT ngày càng tăng lên do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Song, dù là do nguyên nhân nào thì TNGT cũng luôn đem lại những mất mát, đau thương cho chính nạn nhân của nó và gia đình, người thân của họ: nhiều gia đình đang hạnh phúc phải tan đàn, xẻ nghé; nhiều người tương lai đang rộng mở phút chốc phải lụi tàn vì trở thành phế nhân do TNGT; rất nhiều gia đình đang khá giả trở thành khánh kiệt, khó khăn vì có người thân bị TNGT; nhiều đứa trẻ đang sống trong vòng tay yêu thương, bảo bọc của cha mẹ bỗng trở thành mồ côi do cha mẹ lìa đời vì TNGT.
Nói sao cho hết những thảm cảnh do TNGT gây ra. Đó là chưa kể những di chứng sau mỗi vụ TNGT để lại luôn kéo dài và không lường hết được, khiến xã hội cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thêm vào đó, gia đình nạn nhân và ngân sách quốc gia phải chịu thêm gánh nặng chi phí để khắc phục hậu quả của TNGT hàng năm. Điều đó đe dọa đến những thành quả của tăng trưởng kinh tế, đồng thời làm ảnh hưởng đến hình ảnh một đất nước an toàn trong mắt bạn bè, đối tác…
Để góp phần xoa dịu những nỗi đau đó, năm 2012, hưởng ứng ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì TNGT, các tỉnh, thành trong cả nước đã và đang thực hiện những hoạt động tưởng niệm đầy ý nghĩa trong tuần lễ thứ 3 của tháng 11 năm nay (từ ngày 12 đến 19- 11-2012). Thông qua hoạt động này nhằm cảnh báo toàn xã hội về thảm họa TNGT, các nguyên nhân và nguy cơ gây TNGT; nâng cao nhận thức, ý thức của toàn dân trong việc chấp hành pháp luật trật tự ATGT, phòng tránh TNGT; nâng cao tinh thần trách nhiệm của các lực lượng làm công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT); góp phần thực hiện mục tiêu của nghị quyết Quốc hội là giảm 5 - 10% TNGT năm 2012… Đồng thời kêu gọi sự giúp đỡ, chia sẻ từ cộng đồng về những tổn thất, mất mát, khó khăn của các nạn nhân, gia đình nạn nhân của TNGT... Cụ thể, các hoạt động hưởng ứng “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì TNGT” năm 2012 được phát động và tổ chức trong cả nước với các nhóm hoạt động chủ yếu như hoạt động truyền thông; thăm hỏi, động viên các gia đình nạn nhân TNGT...
Mở đầu cho tuần lễ này, vừa qua tại chùa Học viện Phật giáo Việt Nam (Sóc Sơn, Hà Nội) đã diễn ra đại lễ cầu siêu cho các nạn nhân tử vong do TNGT với sự tham dự của hàng ngàn tăng ni, phật tử và gia đình của các nạn nhân TNGT từ nhiều tỉnh, thành tới tham dự. Tại buổi lễ này, Ủy ban ATGT Quốc gia đã kêu gọi toàn thể nhân dân hãy nâng cao ý thức chấp hành quy định pháp luật về bảo đảm ATGT. Cùng chung tay chia sẻ những tổn thất, mất mát đối với các nạn nhân và gia đình nạn nhân không may bị TNGT.
Tại Bình Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung, Trưởng ban ATGT tỉnh cũng ký quyết định thông qua kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì TNGT”. Hàng loạt hoạt động sẽ diễn ra trong tháng 11, cao điểm là từ ngày 5 đến ngày 19-11. Theo đó, có các hoạt động cụ thể như: Tổ chức lễ tưởng niệm nạn nhân tử vong vì TNGT vào tối 19-11; các sở ban ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị, xã hội, các nhà hảo tâm tổ chức các đoàn thăm hỏi và có hình thức giúp đỡ phù hợp các gia đình nạn nhân bị TNGT lâm vào hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh. Ban ATGT tỉnh tổ chức 5 đoàn thăm hỏi, động viên nạn nhân và gia đình nạn nhân tử vong vì TNGT, thời gian từ ngày 5 đến ngày 19-11. Những ngày qua và tới đây, lãnh đạo tỉnh sẽ tới thăm và hỗ trợ một số gia đình có người thân bị tử vong vì TNGT và gia đình có nạn nhân của TNGT gặp khó khăn… Đặc biệt là tỉnh sẽ tổ chức lễ tưởng niệm nạn nhân tử vong vì TNGT tại Trung tâm Hội nghị Lucky Square, Thành phố mới Bình Dương, từ 19 giờ 20 đến 20 giờ tối 19-11 và được truyền hình trực tiếp.
Năm 2012 được Đảng và Nhà nước lựa chọn là “Năm An toàn giao thông” nhằm thiết lập kỷ cương trật tự ATGT trong phạm vi cả nước. Mỗi người cần có trách nhiệm với chính mình, với gia đình, với toàn xã hội, mà hành động mỗi người trong chúng ta có thể làm ngay đó là chấp hành nghiêm pháp luật về bảo đảm trật tự và ATGT. Có người nói: “Nhân cách của bạn được thể hiện qua việc chấp hành luật giao thông”. Chưa bao giờ mệnh lệnh từ lý trí, từ trái tim của mỗi chúng ta thôi thúc: “Phải hành động, phải tìm mọi cách để kéo giảm TNGT, xóa dần bóng đen chết chóc, tang thương từ thảm họa TNGT đang đe dọa cuộc sống bình yên của chúng ta”.
DÂN THƯỜNG