Cùng tẩy chay thực phẩm không an toàn

Cập nhật: 25-12-2009 | 00:00:00

Trong những ngày gần đây, người dân hết sức bất bình trước việc nhà sản xuất - kinh doanh lại không quan tâm đến vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), thậm chí còn sử dụng những hóa chất độc hại trong chế biến thực phẩm làm nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng.

Mới đây tại tỉnh Bình Thuận, qua kiểm tra đột xuất cơ sở chế biến hạt dưa Tấn Phát tại thị trấn Phú Long, huyện Hàm Thuận Bắc đã phát hiện tại kho hàng của doanh nghiệp này có đến 79 tấn hạt dưa có nguồn gốc từ Trung Quốc có tẩm hóa chất Rhodamine, đây là loại hóa chất độc hại cấm dùng trong thực phẩm vì có thể gây bệnh ung thư. Hạt dưa tuy không phải là thực phẩm thiết yếu, nhưng nó rất thông dụng đối với mọi gia đình trong dịp tết, nếu có chất gây bệnh ung thư thì nó sẽ nguy hại đến dường nào. Trước đây không lâu, dư luận cũng hết sức lo ngại về cháo dinh dưỡng có vi khuẩn hiếu khí và chất Natri - BenZoat quá mức giới hạn cho phép; sữa có chất Melamin; nước tương có 3-MCPD; rau xanh có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích; hàng thủy hải sản có chất Chloramphenicol... đây là những thực phẩm thiết yếu hàng ngày đối với mọi người mà lại có lắm chất độc hại thì thử hỏi làm sao con người trong thời đại không mắc quá nhiều bệnh mà khoa học vẫn chưa tìm ra thuốc chữa trị. Phải chăng điều đó bắt nguồn từ những thứ như thế này.

Theo nguồn từ Bộ Y tế, hàng năm Việt Nam có gần 200.000 người mắc bệnh ung thư, trong đó con số tử vong lên tới 150.000 người. Về nguyên nhân dẫn đến ung thư, có khoảng 35% số người mắc bệnh ung thư (70.000 người) được chẩn đoán mắc bệnh do những nguyên nhân liên quan tới việc sử dụng thực phẩm độc hại. Riêng 6 tháng đầu năm 2009, theo Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm cả nước có gần 3.100 người bị ngộ độc thực phẩm, trong đó có 29 người chết. Qua đó cho thấy công tác kiểm tra, kiểm soát VSATTP vẫn còn nhiều bất cập, chưa bảo đảm tính bền vững.

Chúng ta đều biết thực phẩm có liên quan đến sức khỏe, đến thể chất của con người, đến nguồn nhân lực để phát triển đất nước. Nếu cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm không bảo đảm an toàn cho người sử dụng, người dùng bị ngộ độc hoặc dùng lâu ngày sẽ mắc phải nhiều bệnh tật, điều đó chẳng khác gì trái bom nổ chậm.

Để kiểm soát được VSATTP, chúng tôi thiết nghĩ cần có giải pháp đồng bộ: Trước hết các cơ quan chức năng cần tăng cường thanh kiểm tra, kiểm soát chất lượng thực phẩm; các nhà sản xuất - kinh doanh phải nêu cao tinh thần đạo đức trách nhiệm, cũng như cam kết trước pháp luật sản phẩm của mình bảo đảm VSATTP; người tiêu dùng cũng cần nâng cao nhận thức, tự bảo vệ mình, đồng thời cùng cộng đồng lên án bài trừ, tẩy chay những sản phẩm không đạt tiêu chuẩn VSATTP, tránh vàng thau lẫn lộn, làm thiệt hại cho “thượng đế”.

VSATTP đang gióng lên hồi chuông báo động hơn bao giờ! Đây là vấn đề cần giải quyết tức thời để bảo vệ sức khỏe cho người dân, chất lượng cuộc sống và giống nòi. Việc phòng bệnh luôn tốt hơn chữa bệnh, nhất là khi mắc những bệnh nan y khó có thể chạy chữa dù rất tốn kém.

XUÂN QUỲNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên