Đó là mong muốn không riêng của ngành giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) mà còn là mong muốn của Chính phủ đối với kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 sẽ diễn ra trong thời gian tới. Chỉ đạo tại cuộc họp để nghe Bộ GD-ĐT báo cáo về việc chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Quá trình tổ chức kỳ thi THPT quốc gia phải lường hết các khó khăn và có phương án xử lý, không để bị động, không được chủ quan nhằm mục tiêu bảo đảm tổ chức kỳ thi tốt nhất”.
Tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GD-ĐT khẩn trương hoàn thiện phương án tổ chức; ban hành các văn bản hướng dẫn cần thiết; dự báo những khó khăn, phức tạp nảy sinh và có phương án giải quyết; đặc biệt là làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, giải thích để nhân dân, học sinh hiểu rõ, đầy đủ mục đích, ý nghĩa, lợi ích của kỳ thi nhằm tạo sự đồng thuận cao nhất trong nhân dân và toàn xã hội. Cùng dự cuộc họp này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu lãnh đạo các tỉnh phải chủ động, tích cực tham gia, tạo mọi điều kiện trong quá trình tổ chức kỳ thi, bởi đây không chỉ là kỳ thi của riêng Bộ GD-ĐT mà “cả nước cùng làm thì mới giúp được ngành giáo dục”.
Kỳ thi THPT quốc gia 2015 có nhiều điểm mới, trong đó có quy định về cụm thi liên tỉnh và cụm thi tỉnh, dành cho các đối tượng thí sinh có mục đích thi khác nhau như chỉ xét tốt nghiệp THPT hoặc vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ). Do vậy, có thể nói đây là kỳ thi “2 trong 1”. Theo dự kiến của Bộ GD-ĐT, kỳ thi “2 trong 1” năm nay sẽ có 38 cụm thi liên tỉnh do các trường ĐH chủ trì dành cho học sinh dự thi lấy kết quả xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ và 60 cụm thi tỉnh dành cho học sinh có nguyện vọng chỉ dự thi để xét tốt nghiệp. Do số lượng cụm thi lớn, lại tập trung vào một số ngày nhất định, nên ngành GD-ĐT rất cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương nơi diễn ra kỳ thi.
Tổ chức một kỳ thi quốc gia, đặc biệt là kỳ thi đầu tiên có sự đổi mới so với trước đây, có nhiều việc phải làm và cần sự phối hợp của nhiều ngành, nhiều lực lượng. Bên cạnh sự chuẩn bị của ngành GD-ĐT, nếu không có sự vào cuộc của chính quyền địa phương, các ban ngành, đoàn thể và cả người dân thì kỳ thi sẽ khó thành công tốt đẹp. Tuy nhiên, với truyền thống tôn trọng sở học, yêu quý hiền tài của dân tộc và kinh nghiệm tổ chức các kỳ thi ĐH, CĐ trước đây, nếu biết khơi gợi thì chuyện kêu gọi mọi người cùng vào cuộc vì một kỳ thi là điều hoàn toàn có thể thực hiện được.
Tại Bình Dương, trong hai mùa tuyển sinh ĐH, CĐ gần đây, lực lượng đoàn viên thanh niên, sinh viên và người dân cũng đã vào cuộc giúp đỡ thí sinh trong những ngày đến Bình Dương dự thi. Sở dĩ các kỳ thi tổ chức tại Bình Dương đều diễn ra suôn sẻ, tốt đẹp là do có sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương, các ngành chức năng và cả người dân. Hình ảnh lực lượng tình nguyện “đi từng nhà, gõ từng cửa” để tìm chỗ trọ và cung cấp cho thí sinh những địa chỉ ăn uống giá rẻ, hợp vệ sinh không còn xa lạ trong những mùa thi. Với những gì đã làm, thiết nghĩ vấn đề kêu gọi mọi người cùng vào cuộc vì một kỳ thi là không quá khó đối với Bình Dương.
LÊ QUANG