Những ngày qua, nhiều bạn đọc vô cùng cảm động và cảm kích trước câu chuyện một cô gái vì muốn hiến tạng cho cha mà phải chết. Đó là một nữ sinh 12 tuổi sống tại làng Jhorpara, quận Nadia, bang West Bengal, Ấn Độ. Khi nghe được những cuộc bàn luận của cha mẹ về việc làm thế nào để phẫu thuật thay thế giác mạc cho cha và ghép thận cho anh trai, cô bé Mampy Sarkar lo lắng trước việc gia đình không đủ khả năng chi trả cho việc phẫu thuật thay giác mạc cho người cha và cả ca ghép thận cho anh trai. Trong đầu óc của cô bé đã nảy lên một kế hoạch mà theo như suy nghĩ non nớt của cô thì đó sẽ là lời giải cho tất cả những khó khăn trên. Mampy đã uống một loại thuốc sâu. Sau đó, cô bé đến gặp người cha đang làm việc cách đó khoảng nửa cây số và nói rằng cô bé mơ thấy ai đó đã đổ thuốc sâu vào miệng mình khiến cho cô bị đau dạ dày. Người cha ngay lập tức đưa con gái đi cấp cứu tại bệnh viện địa phương nhưng không qua khỏi. Một ngày sau khi hỏa táng con, cha của Mampy đã phát hiện ra bức thư cô bé để lại cho mẹ, trong đó, cô bé trình bày nguyện vọng được hiến lại giác mạc cho cha và thận dùng để ghép cho anh trai, tặng lại cuộc sống cho những người thân yêu của cô bé.
Đọc câu chuyện trên, tôi lại chợt nhớ đến một chuyện cảm động khác được học ở thời trung học.
Một cô gái bị bệnh phổi trong cơn hoảng loạn vì bệnh tật đã luôn suy nghĩ rằng cô sẽ chết khi chiếc lá cuối cùng trên cây thường xuân bên cửa sổ phòng cô rụng xuống. “Khi chiếc lá cuối cùng rụng thì mình cũng sẽ ra đi”. Biết được chuyện, ông già Behrman là một họa sĩ sống ở tầng trệt bên dưới tìm cách giúp cô gái. Những chiếc lá cũng rơi dần chỉ duy nhất còn một chiếc lá cuối cùng. Rồi trong một đêm mưa giông dữ dội, cô gái tin chắc rằng cuộc đời cô sẽ chấm hết vì chiếc lá cuối cùng kia sẽ rơi rụng nốt. Nhưng sáng hôm sau, khi kéo rèm lên, cô gái thấy chiếc lá vẫn còn trên cành. Từ đây cô thêm tin tưởng vào cuộc sống và dần hết bệnh. Vài ngày sau đó, cô gái càng ngỡ ngàng hơn khi nghe bạn thông báo về bí mật của chiếc lá cuối cùng kia: “Ông Behrman qua đời hôm nay ở bệnh viện vì chứng viêm phổi. Ông ấy nhuốm bệnh chỉ trong có 2 ngày. Người gác dan tìm thấy ông trong căn phòng tầng dưới. Đôi giày và quần áo ông ấy bị ướt cả, lạnh như nước đá. Họ không thể hiểu nổi ông đã đi đâu trong một đêm kinh hoàng như thế. Và rồi họ tìm thấy cái đèn bão, vẫn cháy và một cái thang đã bị rời khỏi nơi cất giữ, vài cây cọ tơi tả và nghiên màu mới ít màu xanh và vàng, bạn nhìn ra ngoài cửa sổ xem, nhìn chiếc lá thường xuân cuối cùng trên bức tường đấy. Bạn có đặt nghi vấn tại sao nó không bao giờ bay lất phất khi có gió thổi không? Cưng ơi, đó là kiệt tác của ông Behrman đấy - ông đã vẽ nó đúng vào đêm chiếc lá cuối cùng rơi rụng”.
2 câu chuyện trên tuy khác nhau nhưng có một điểm chung là có những con người biết hy sinh, biết sống vì người khác. Đó là biểu hiện của lối sống đẹp. Ngày nay, với sự ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, lối sống văn minh, lành mạnh, biết sống vì mọi người... được tạo điều kiện và phát triển. Hàng ngày, cái đẹp vẫn hiện hữu lấn át cái xấu. Tư tưởng sống có ích, sống vì mọi người, sống vì cộng đồng đang được nhân rộng. Dang tay giúp người già, khách nước ngoài qua đường. Cứu giúp người khi bị tai nạn trên đường. Những người âm thầm lượm đinh, tổ chức các chuyến xe hút đinh trên đường. Những hiệp sĩ từ các câu lạc bộ phòng chống tội phạm ngày qua ngày đấu tranh với kẻ xấu góp phần mang lại yên bình cho cộng đồng. Hàng năm, lực lượng thanh niên đều có các hoạt động mùa hè tình nguyện. Riêng tại Bình Dương, hè năm nay, lễ xuất quân chiến dịch Hè tình nguyện vừa diễn ra ngày 10-7 với 25 đội hình thanh niên tình nguyện tại chỗ và các 8 đội hình chuyên về phục vụ tại tỉnh Đắc Lắc, Đắc Nông, Bình Phước, Cà Mau, Đồng Tháp và các xã vùng sâu, vùng xa. Các đội hình sẽ khám bệnh phát thuốc, làm công tác xã hội, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa... Đó là những biểu hiện của sống đẹp, sống vì cộng đồng.
Lấy cái tốt ngăn chặn cái xấu. Xây dựng văn hóa sống đẹp cũng có thể ngăn chặn được lối sống xấu xa. Vì thế, sống đẹp cũng góp phần ổn định xã hội, giữ gìn được nét đẹp văn hóa truyền thống, hạn chế được cái xấu lộng hành, hạn chế tội phạm phát sinh. Việc nhân rộng văn hóa sống đẹp, lối sống văn minh cũng là vấn đề cần được quan tâm. Từ trong nhà trường, không chỉ là việc giáo dục qua những bài giảng đạo đức, giáo dục công dân. Sự phối hợp đồng bộ và lành mạnh hóa môi trường giáo dục giữa nhà trường, gia đình và xã hội cũng cần được chú trọng trong giáo dục con em. Xây dựng lý tưởng sống đẹp, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội, đó là những vấn đề đã và đang được đặt ra đối với mỗi con người, nhất là thanh niên ngày nay trước sự cám dỗ của lối sống thực dụng từ văn hóa ngoại lai thâm nhập. Được như thế, sẽ không còn gì đẹp hơn với một xã hội giàu lòng nhân ái như cố thi sĩ Tố Hữu từng ca ngợi: Trên đời đẹp có gì hơn thế / Người với người sống để yêu nhau.
Dân Thường