Các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp (DN) và người dân trong nước đang đi qua một mùa thu khá êm ả bởi nền kinh tế đã và đang có những dấu hiệu phục hồi. Dấu hiệu đó thể hiện rõ ở mức tăng trưởng của quý III-2012 đạt 5,4%, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, đó chưa phải là tất cả, bởi các tổ chức kinh tế và DN đang trong giai đoạn xem xét phải làm thế nào để nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ hơn trong giai đoạn tăng trưởng toàn cầu đang suy giảm.
Năm nay, hầu hết các DN và người dân trong nước đều phải hứng chịu những hậu quả nặng nề của lạm phát cao và tăng trưởng giảm nhẹ cả bên trong lẫn bên ngoài. Nếu như một phần nguyên nhân của sự suy giảm kinh tế là do môi trường toàn cầu yếu kém thì đa phần nguyên nhân là do ảnh hưởng của lực kéo nội địa yếu. Hậu quả những năm tháng đầu tư quá mức của các DN Nhà nước và đầu tư công thiếu hiệu quả đã để lại những khoản nợ khổng lồ, một vấn đề đã được bàn cãi trong suốt thời gian qua sau khi nhiều DN cả tư nhân lẫn Nhà nước phải hứng chịu chi phí vay ngân hàng cao và nhu cầu thấp; còn người tiêu dùng thì phải đối mặt với chi phí cho cuộc sống cao, trong khi thu nhập lại giảm!
Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ đã đưa ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, kiềm chế lạm phát, duy trì sự bình ổn nhằm tạo đà tăng trưởng và các chính sách nhằm tạo ra guồng máy kinh tế hiệu quả hơn. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã đề xuất kế hoạch thành lập công ty mua bán nợ với kỳ vọng giải quyết nợ xấu và cải thiện việc phân bổ nguồn vốn cho nền kinh tế. Từ những giải pháp đó của Chính phủ, của các tổ chức kinh tế và nội lực tự thân của từng DN, dấu hiệu tăng trưởng đã xuất hiện trở lại. Theo số liệu báo cáo mới nhất của Ngân hàng HSBC Việt Nam, sản lượng sản xuất đã ổn định trở lại với chỉ số Nhà quản trị mua hàng ngành sản xuất Việt Nam (PMI) trong tháng 9 đạt gần 50 điểm, hoạt động xuất khẩu đã phục hồi, cán cân thương mại từ đầu năm đến nay đã ở chỉ số dương, lạm phát chỉ dừng lại ở mức một con số, đồng tiền Việt Nam về cơ bản duy trì sự ổn định và nền kinh tế đã có dấu hiệu tăng nhẹ trong quý III-2012.
Chỉ tính trên lĩnh vực xuất khẩu, trong tháng 9 vừa qua kim ngạch đã tăng 30,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng mạnh nếu so với tháng 8 chỉ tăng 6,3%. Xét theo tháng, hoạt động xuất khẩu trong tháng 9 tăng 15% so với tháng trước, trong khi tháng 8 lại giảm 2,3% so với tháng 7. Sự tăng trưởng này chủ yếu đến từ các mặt hàng dệt may, giày dép, gạo, điện tử, cà phê và dầu thô. Trong đó, một vài mặt hàng xuất khẩu tăng là nhờ giá cả hàng hóa tăng. Hoạt động nhập khẩu cũng tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước, trong khi tháng 8 chỉ tăng 3,1%. Xét về tháng, nhập khẩu đã tăng 4,2% so với tháng trước, trong khi tháng 8 lại thể hiện kết quả âm 2,6% so với tháng 7.
Những kết quả nêu trên cho thấy nền kinh tế vĩ mô đang dần ổn định sau một thời gian giảm do tăng trưởng quá nóng trước đó. Tuy nhiên, sự suy giảm kinh tế trong giai đoạn vừa qua không phải là điều đáng buồn mà nên xem đó là ưu điểm, là cơ hội để nhìn lại và chỉnh đốn những yếu kém về mặt cấu trúc của nền kinh tế để chỉnh sửa. Và, nhờ những chỉnh sửa kịp thời từ Chính phủ, các tổ chức kinh tế và DN mà bức tranh kinh tế đang sáng dần, dấu hiệu phục hồi đang ngày càng mạnh mẽ hơn.
LÊ QUANG