Đã hứa với dân thì phải làm đến nơi, đến chốn

Cập nhật: 16-06-2011 | 00:00:00

Vấn đề thời sự đang được dư luận người dân trong tỉnh quan tâm là việc cắt, đào đường thuộc dự án thi công hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt nằm trong khuôn khổ Dự án Cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương, do Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước và Môi trường Bình Dương làm chủ đầu tư; hai đơn vị trúng thầu thi công là Công ty Konlon E&C (Hàn Quốc) và Công ty Cổ phần Xây dựng số 5. Đối với dự án này, vấn đề mà người dân bức xúc vẫn là chuyện tái lập mặt đường và gây lãng phí lớn bởi có những con đường vừa mới được thi công đã bị đào bới!

Theo thông tin từ phía chủ đầu tư thì dự án có quy mô trên phạm vi 900 ha thuộc khu vực nội ô TX.TDM, bao gồm các phường Phú Cường, Phú Lợi, Phú Hòa, Phú Thọ, Hiệp Thành và Chánh Nghĩa. Tổng cộng chiều dài mặt đường bị đào bới lên tới 200km, trong đó có khoảng 100km thuộc các tuyến đường chính, còn lại là các tuyến đường nhánh và đường hẻm. Sau khi hoàn thành giai đoạn 1, hệ thống này sẽ được đấu nối để thu gom nước thải của khoảng 10.000 hộ dân, cơ quan, công sở trong khu vực. Đây là dự án giúp cải thiện vấn đề ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng sống của người dân khu vực nội ô TX.TDM.

Thực hiện dự án là cần thiết, tuy nhiên vấn đề người dân quan tâm là hệ thống hạ tầng giao thông của tỉnh lâu nay vốn được coi là hình mẫu của các tỉnh miền Đông Nam bộ nói riêng và khu vực phía Nam nói chung liệu có còn nguyên vẹn như trước? Đó là chưa nói đến việc lãng phí tiền của do thi công không đồng bộ theo kiểu “ai làm nấy biết”. Trong khi tình hình kinh tế cả nước đang gặp nhiều khó khăn, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11 và triển khai thực hiện nghị quyết này từ 3 tháng qua, trong đó việc giảm đầu tư công được chú trọng. Mỗi con đường được đầu tư thi công hoàn thiện như hiện nay tốn kém hàng trăm tỷ đồng của ngân sách, thế nhưng có những tuyến đường vừa được hoàn thiện chưa bao lâu thì nay lại bị đào bới, để rồi phải bỏ ra thêm tiền tỷ để tái lập lại mặt đường!

Lo lắng của người dân là có cơ sở, bởi qua quan sát hầu hết các tuyến đường có vết cắt, đào đường để lắp đặt các thiết bị sau khi được tái lập không lồi thì lõm, tạo thành gờ gây dằn xóc, chất lượng mặt đường tại những nơi này không bảo đảm, thường bong tróc tạo thành ổ gà, gây nguy hiểm cho các phương tiện giao thông. Nhìn rộng hơn sang các địa phương khác như TP.HCM, mặt đường sau khi lập lô cốt để đào bới được tái lập rất xấu, có nơi xuất hiện “hố tử thần” gây chết người chỉ vì các đơn vị thi công làm ẩu, làm bừa cho xong!

Trước những bức xúc, lo lắng của người dân, phía chủ đầu tư cũng đã lên tiếng trấn an dư luận là sẽ thực hiện tốt việc hoàn trả mặt đường. Công tác hoàn trả mặt đường sẽ được thực hiện qua hai giai đoạn. Giai đoạn 1 là hoàn trả tạm thời bằng lớp nhựa mỏng tại vết đào để giữ vệ sinh mặt đường. Sau thời gian chờ lún ổn định sẽ tiếp tục thi công giai đoạn 2 bằng việc phủ nhựa nóng dày 5cm trên toàn bộ mặt đường. Như vậy, sau khi hoàn thành giai đoạn 2 thì mặt đường gần như được làm mới hoàn toàn và chắc chắn chất lượng sẽ tốt hơn mặt đường cũ vì được gia cố thêm lớp nhựa nóng dày 5cm trên toàn bộ mặt đường.

Đây là dự án giúp cải thiện vấn đề ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng sống của người dân, vì vậy những điều phía chủ đầu tư đã hứa với dân thì phải thực hiện đến nơi, đến chốn; trong đó cần chú ý giám sát các đơn vị thi công để không xảy ra tình trạng làm bừa, làm ẩu. Đừng để dự án giúp cải thiện môi trường lại gây ô nhiễm môi trường.

 LÊ QUANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên