Đậm đà truyền thống, vươn tầm tương lai - Kỳ 5

Cập nhật: 09-04-2021 | 07:47:04

Kỳ 5: Chung tay chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho người lao động

 Là tỉnh phát triển công nghiệp, hiện nay Bình Dương có tổng số lao động là trên 1,2 triệu người; trong đó, lao động là người ngoài tỉnh chiếm khoảng 85%. Xác định người lao động (NLĐ) là vốn quý, là nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế, cùng với việc chăm lo về vật chất, công tác chăm lo đời sống tinh thần cho công nhân lao động (CNLĐ) cũng luôn được các cấp, ban ngành, đoàn thể trong tỉnh quan tâm, chú trọng thực hiện.

 

Nhiều hoạt động phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần cho CNLĐ đã được tỉnh tổ chức thường xuyên. Trong ảnh: Chương trình biểu diễn nghệ thuật phục vụ CNLĐ của Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh tại TP.Dĩ An

 Nhiều thiết chế văn hóa phục vụ người lao động

Đến Trung tâm Văn hóa Lao động tỉnh dự khán hội thi văn nghệ do Công đoàn Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore vừa tổ chức, chúng tôi đã có dịp thưởng thức nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc và ý nghĩa do CNLĐ biểu diễn. Chia sẻ với chúng tôi, bà Đặng Thị Kim Chi, Chủ tịch Công đoàn Khu công nghiệp VSIP cho biết, thông qua các tiết mục biểu diễn cho thấy các công đoàn cơ sở rất quan tâm đến đời sống vật chất lẫn tinh thần cho CNLĐ, góp phần đẩy mạnh phong trào văn hóa, văn nghệ trong CNLĐ của VSIP nói riêng và của tỉnh nói chung.

Sau hơn 3 năm đi vào hoạt động, Trung tâm Văn hóa Lao động tỉnh đã trở thành địa điểm thu hút đông đảo CNLĐ đến vui chơi, sinh hoạt với nhiều hạng mục phục vụ NLĐ như quảng trường, nhà thi đấu đa năng. Đã có nhiều hoạt động hấp dẫn, bổ ích dành cho công nhân được tổ chức tại đây như: Ngày hội CNLĐ, ngày hội tư vấn pháp luật, chương trình văn nghệ, hội thi thể dục thể thao…

 Để NLĐ thụ hưởng đời sống văn hóa tinh thần nhiều hơn, các ngành, các cấp đã đặt ra nhiều chương trình hành động cụ thể. Trong đó, tỉnh phấn đấu đến năm 2025 sẽ có ít nhất 3 Trung tâm Văn hóa Lao động do Công đoàn quản lý đi vào hoạt động. Mỗi năm có ít nhất 200 Công đoàn cơ sở khối DN phối hợp với chủ DN đầu tư xây dựng hoặc mua sắm trang thiết bị, công cụ, dụng cụ tập luyện thể thao cho CNLĐ với tổng giá trị trên 10 triệu đồng/1 DN.

Ông Lưu Thế Thuận, Trưởng ban Tuyên giáo LĐLĐ tỉnh cho biết, xác định việc nâng cao đời sống văn hóa tinh thần nói chung và việc tạo điều kiện để CNLĐ được hưởng thụ văn hóa, vui chơi, giải trí là vấn đề hết sức quan trọng, thiết thực, để NLĐ yên tâm làm việc, gắn bó lâu dài với địa phương, việc chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho CNLĐ luôn được các cấp, các ngành và doanh nghiệp (DN) trong tỉnh quan tâm thực hiện, góp phần tái tạo sức lao động, tăng khả năng sáng tạo trong lao động, sản xuất.

Chăm lo cho vốn quý của mình, nhiều DN đã dành quỹ đất để xây dựng các sân chơi thể thao nâng cao sức khỏe cho CNLĐ. Hiện nay, toàn tỉnh có 350 DN có bố trí diện tích, không gian để NLĐ có thể tham gia tập luyện thể thao thường xuyên với các hình thức: Sân bóng đá, sân bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn, thiết bị tập thể dục trong phòng, ngoài trời hoặc bố trí sân khấu, phòng tập, thiết bị âm thanh, dàn máy để tổ chức và sinh hoạt văn nghệ, karaoke. Một số DN như: Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp (Becamex IDC), Cao su TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng, Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa, Công ty Cổ phần nước - Môi trường Bình Dương, Công ty Cổ phần Vật liệu và Xây dựng Bình Dương… cũng đã đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao như: Trung tâm văn hóa, trung tâm thể thao cộng đồng, nhà thi đấu đa năng, hồ bơi, nhà văn hóa, phòng truyền thống, sân bóng đá, bóng chuyền ở các nông trường…

Nhiều giải pháp nâng cao mức hưởng thụ văn hóa

Bên cạnh việc hoàn thiện thiết chế, phục vụ tốt NLĐ, nhiều thành phần kinh tế đã tham gia xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao góp phần cùng nhà nước tạo môi trường sinh hoạt văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho mọi người trong đó có CNLĐ.

Với một địa phương có đông CNLĐ như Bình Dương, việc nâng cao đời sống văn hóa tinh thần nói chung và việc tạo điều kiện để CNLĐ được hưởng thụ văn hóa, vui chơi, giải trí là vấn đề hết sức quan trọng, thiết thực. Nhu cầu về hưởng thụ văn hóa, vui chơi, giải trí của CNLĐ tuy đa dạng nhưng cũng có những nét đặc thù. Các chương trình “Tết sum vầy”, “Chuyến xe xuân nghĩa tình”, “Tháng Công nhân”, “Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động”... được tỉnh tổ chức trong nhiều năm qua đã phát huy hiệu quả, lan tỏa và nhận được sự hưởng ứng tích cực của đông đảo đoàn viên, NLĐ.

Bên cạnh đó, hàng năm, có khoảng 1.700 hoạt động văn hóa văn nghệ - thể dục thể thao do các cấp Công đoàn phối hợp với các cơ quan, đơn vị, DN tổ chức cho CNLĐ tham gia dưới dạng hội thi, hội diễn, giải đấu, thu hút khoảng 42.000 lượt CNLĐ tham gia. Trong đó có khoảng 700 công đoàn cơ sở khối DN tổ chức từ 1 - 2 hoạt động mỗi năm, qua đó đã từng bước góp phần xây dựng đạo đức, lối sống lành mạnh trong CNLĐ, đẩy lùi tệ nạn xã hội.

Ông Lê Văn Thái, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, trong những năm qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, LĐLĐ tỉnh, Tỉnh đoàn, Công an tỉnh... đã ký kết các chương trình phối hợp tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao phục vụ các đối tượng CNLĐ. Ngoài ra, ngành văn hóa, thể thao và du lịch phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp và LĐLĐ tỉnh tổ chức các hoạt động như: Hội thi văn nghệ - thể thao công nhân tại các khu công nghiệp; tổ chức các buổi chiếu phim, biểu diễn phục vụ tại địa phương có các khu nhà trọ của công nhân…

Ông Lưu Thế Thuận cho biết thêm, Đảng đoàn LĐLĐ tỉnh đã xây dựng đề án “Chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đoàn viên công đoàn, CNLĐ”, qua đó làm cơ sở để tổ chức Công đoàn trong tỉnh triển khai thực hiện nhiệm vụ một cách trọng tâm, trọng điểm, phù hợp và hiệu quả trong tình hình mới. Trong bối cảnh kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của mọi người ngày càng cao đã đặt ra cho Công đoàn tỉnh cần tập trung hơn, chủ động hơn trong việc thực hiện tốt chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên và NLĐ; tiếp tục thu hút CNLĐ tự nguyện tham gia và gắn bó với tổ chức Công đoàn Việt Nam, phát huy hiệu quả phong trào công nhân và hoạt động Công đoàn tỉnh. (còn tiếp)

Bà Nguyễn Kim Loan, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh: Sau khi thực hiện xong giai đoạn 1, LĐLĐ tỉnh tiếp tục xin chủ trương sử dụng nguồn kinh phí dự phòng xây dựng hồ bơi để đa dạng các dịch vụ phục vụ NLĐ. Hiện nay, LĐLĐ tỉnh tiếp tục xây dựng Trung tâm Văn hóa Lao động tại TX.Bến Cát, đồng thời xin chủ trương về quỹ đất ở huyện Bàu Bàng, TX.Tân Uyên và TP.Dĩ An để thực hiện các công trình phục vụ nhu cầu giải trí, văn hóa tinh thần của NLĐ ở các địa phương.

Ông Lê Văn Hiếu, Chủ tịch LĐLĐ TP.Thuận An: TP.Thuận An đã sát cánh cùng NLĐ; quan tâm, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần, tổ chức các chuyến du xuân, tặng quà… giúp NLĐ vượt qua khó khăn trong dịch bệnh Covid-19. Bên cạnh đó, LĐLĐ thành phố còn tạo điều kiện để CNLĐ được vui chơi, giải trí bảo đảm tốt đời sống tinh thần, giúp công nhân khỏe mạnh, tái tạo sức lao động, mang lợi nhuận cho DN. Vì vậy, ngoài sự quan tâm của tổ chức công đoàn, người sử dụng lao động cần phải quan tâm đến các hoạt động này nhiều hơn nữa.

THỤC VĂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=706
Quay lên trên