Kỳ cuối: Tập trung đầu tư nguồn lực cho lĩnh vực văn hóa
Phát triển văn hóa (VH) tương xứng với sự phát triển về kinh tế là điều đang được lãnh đạo tỉnh hết sức quan tâm, đặc biệt là trong giai đoạn tỉnh đang tập trung thực hiện mục tiêu xây dựng Bình Dương trở thành đô thị thông minh, văn minh và hiện đại. Xung quanh những nội dung này, phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Khoa Hải, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) tỉnh.
Thời gian qua, tỉnh đã tập trung nhiều nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực văn hóa nhằm phục vụ tốt nhu cầu người dân. Trong ảnh: Trang trí đường phố đón xuân Tân Sửu 2021 tại TP.Thủ Dầu Một
- Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về những kết quả đạt được trên lĩnh vực VH so với sự phát triển chung của tỉnh nhà trong thời gian qua? Đặc biệt là sự thụ hưởng của người dân từ các kết quả phát triển trên?
- Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong thời gian qua, sự nghiệp phát triển VH luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể, cấp ủy, chính quyền địa phương và đặc biệt là được sự đồng tình hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân.
Công tác tuyên truyền, hoạt động VH nghệ thuật được tổ chức với nhiều nội dung phong phú, hình thức đa dạng, thu hút sự quan tâm và tham gia của các tầng lớp nhân dân. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và công tác gia đình tiếp tục được triển khai nhân rộng, gắn với thực hiện cuộc vận động xây dựng VH nông thôn mới, xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Các thiết chế VH vàdi tích từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục được quan tâm đầu tư xây dựng, tu bổ, tôn tạo. Đặc biệt là những giá trị VH truyền thống tốt đẹp với các hoạt động thiện nguyện thông qua hoạt động lễ hội của Bình Dương tiếp tục được phát huy và có sức lan tỏa, để lại nhiều ấn tượng cho nhân dân và du khách.
Trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, ngành VH,TT&DL đặc biệt quan tâm, chú trọng đến sự hưởng thụ VH của các tầng lớp nhân dân. Sở chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh các hoạt động văn hóa hướng về cơ sở, đồng thời không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng về nội dung, hình thức nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Bên cạnh đó, sở đã tiến hành ký kết nhiều chương trình, kế hoạch liên tịch, liên ngành nhằm tăng cường cơ chế phối hợp để tổ chức các hoạt động cho nhiều đối tượng khác nhau trong xã hội, trong đó đặc biệt chú trọng đến các đối tượng như: Nhân dân vùng xa; học sinh, sinh viên trong các trường học; công nhân lao động tại các khu công nghiệp; phạm nhân, học viên trong các trại giam, trại giáo dưỡng...
- Để VH phát triển xứng tầm với sự phát triển kinh tế của địa phương, Bình Dương nói chung và ngành VH,TT&DL nói riêng sẽ tiếp tục quan tâm chỉ đạo, đầu tư cho lĩnh vực VH như thế nào, thưa ông?
- Việc đầu tư cho phát triển sự nghiệp VH trong thời gian qua tuy được các cấp, các ngành quan tâm, tổ chức triển khai nhưng so với tiềm lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thì cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sự nghiệp VH nói chung vẫn còn những khó khăn, hạn chế nhất định. Trong đó, việc đầu tư xây dựng các thiết chế VH vẫn chưa tương xứng và đồng bộ, tiến độ triển khai một số công trình, dự án trọng điểm còn chậm so với kế hoạch đã đề ra. Đặc biệt là những công trình VH có tầm quy mô, mang đậm dấu ấn của Bình Dương vẫn chưa được hình thành. Do đó, để VH phát triển xứng tầm với sự phát triển kinh tế của tỉnh trong thời gian tới, theo tôi cần phải tập trung triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như: Các cấp, các ngành trong tỉnh tiếp tục quan tâm, chỉ đạo, xác định việc xây dựng và phát triển VH, con người là một trong những mục tiêu tổng quát, nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và của từng địa phương giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Triển khai thực hiện các giải pháp để tạo sự phát triển đồng bộ giữa kinh tế với xây dựng và phát triển VH, con người, lấy con người làm trung tâm, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của tỉnh.
Tiếp tục tăng quy mô, hiệu quả sử dụng vốn từ ngân sách để đầu tư phát triển VH, con người, tạo sự đồng bộ trong việc xây dựng nếp sống VH, văn minh đô thị, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trong bối cảnh ngày càng nhiều khu đô thị, khu chung cư, khu nhà ở xã hội được hình thành, tạo nên môi trường sống tập trung của đông đảo cư dân. Gắn kết chặt chẽ các chương trình, đề án xây dựng và phát triển VH, con người với đề án xây dựng thành phố thông minh Bình Dương.
Đối với cấp tỉnh, tiếp tục đầu tư xây dựng một số công trình VH, nghệ thuật hiện đại, đặc sắc mang dấu ấn riêng của Bình Dương, trở thành biểu tượng VH của tỉnh, bảo đảm điều kiện về cơ sở vật chất để tổ chức các sự kiện VH mang tầm quốc gia và phục vụ giao lưu VH đối ngoại. Đối với các địa phương, cần tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch, bố trí quỹ đất để đầu tư xây dựng các thiết chế VH cho phù hợp với nhu cầu và điều kiện hưởng thụ của người dân ở từng địa bàn dân cư, trong đó đặc biệt chú ý đến yếu tố đa VH, đa vùng miền, đặc biệt là công nhân lao động đang chiếm số đông trong cơ cấu dân cư của Bình Dương.
Tập trung rà soát để tháo gỡ, khơi thông những “điểm nghẽn”, đó là những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách để thu hút các nguồn lực xã hội tham gia theo chủ trương xã hội hóa, trong đó tăng cường công tác hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ hoặc khuyến khích của nhà nước, qua đó nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế VH hiện có, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống VH tinh thần cho nhân dân. Đẩy mạnh công tác bảo tồn, kế thừa và phát huy giá trị các di tích lịch sử - VH và danh thắng gắn với phát triển du lịch.
- Để VH phát triển xứng tầm, hướng đến mục tiêu vì con người, phục vụ thiết thực lợi ích của nhân dân, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay khi tỉnh đang tập trung xây dựng đô thị văn minh, hiện đại, xây dựng thành phố thông minh Bình Dương, ngành VH,TT&DL đã có sự chuẩn bị như thế nào cũng như có chiến lược gì để thực hiện các mục tiêu về VH trong thời gian tới, thưa ông?
- Để đưa sự nghiệp phát triển VH của tỉnh nhà phát triển xứng tầm, hướng đến mục tiêu vì con người, phục vụ thiết thực lợi ích của nhân dân, đặc biệt là trong giai đoạn tỉnh đang tập trung thực hiện mục tiêu xây dựng Bình Dương trở thành đô thị thông minh, văn minh và hiện đại theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI tạo “thế” và “lực” cho sự nghiệp VH phát triển trong thời gian tới, ngành VH,TT&DL sẽ tham mưu và tổ chức triển khai các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu gồm: Tiếp tục tham mưu điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện chính sách phát triển VH của Bình Dương thông qua các quy chế, quy định, đề án, dự án, quy hoạch, đồng thời khuyến khích việc xây dựng và thực hiện các quy định, quy ước VH mang tính tự quản của cộng đồng theo hướng tạo điều kiện thuận lợi để mọi người dân có thể tham gia.
Đẩy mạnh quá trình chuyển đổi cơ chế tổ chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp VH, các hội nghề nghiệp trong lĩnh vực VH theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật; tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động VH nhằm huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư xây dựng, khai thác sử dụng các thiết chế VH và tổ chức các hoạt động VH phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của người dân.
Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực của ngành nhằm nâng cao trình độ, kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác VH, thể thao cơ sở có đủ năng lực, đáp ứng ngày càng hiệu quả hơn yêu cầu nhiệm vụ công tác; đổi mới và nâng cao chất lượng nội dung, hình thức tổ chức hoạt động VH, trong đó khuyến khích và tạo điều kiện cho các đơn vị nghệ thuật quần chúng, các đơn vị nghệ thuật ngoài công lập tham gia sáng tác, biểu diễn nhằm tạo sự phong phú, đa dạng cho các loại hình VH nghệ thuật, phục vụ nhiều các đối tượng trong xã hội…
- Xin cảm ơn ông!
HỒNG THUẬN (thực hiện)