“Dân ta phải biết sử ta...”

Cập nhật: 29-03-2011 | 00:00:00

Ngày 23-3 vừa qua, Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD&ĐT) đã chính thức công bố các môn thi của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2011. Theo đó, 6 môn thi bắt buộc đối với giáo dục THPT là: Ngữ văn, toán, ngoại ngữ, vật lý, sinh học, địa lý. Trong đó, các môn ngoại ngữ, vật lý, sinh học thi theo hình thức trắc nghiệm. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ được tổ chức vào các ngày 2, 3 và 4-6-2011. Đọc qua 6 môn thi tốt nghiệp THPT năm nay, người viết bỗng cảm thấy băn khoăn, bởi vì trong các môn thi bắt buộc đối với giáo dục THPT năm nay không có môn lịch sử.

Mặc dù theo Bộ GD&ĐT, đối với những thí sinh không theo học hết chương trình THPT hiện hành hoặc có khó khăn về điều kiện dạy - học thì được thay thế bằng môn lịch sử (thi theo hình thức tự luận). Riêng đối với hệ giáo dục thường xuyên sẽ thi 6 môn: Ngữ văn, toán, vật lý, sinh học, lịch sử, địa lý; trong đó, các môn: vật lý, sinh học thi theo hình thức trắc nghiệm. Có nghĩa môn lịch sử chỉ tổ chức thi thay thế và thi cho hệ giáo dục thường xuyên chứ không được chọn là một trong những môn thi tốt nghiệp bắt buộc của giáo dục THPT. Đây quả là chuyện đáng để suy ngẫm.

Chắc hẳn chúng ta vẫn còn nhớ, mấy năm gần đây các cơ quan thông tin truyền thông thường xuyên có những bài viết đánh động về tình hình học sinh của ta thiếu kiến thức về lịch sử nước ta, nguyên nhân là do trong một thời gian dài chúng ta còn xem nhẹ việc dạy và học môn học lịch sử trong hệ thống GD&ĐT. Lỗ hổng về kiến thức lịch sử còn biểu hiện trong các cuộc thi người dẫn chương trình, thi người mẫu, thi “Rung chuông vàng” ở các ngành, các địa phương... vì qua nhiều câu trả lời của thí sinh cho thấy các em quá yếu kiến thức về lịch sử, nhất là lịch sử Việt Nam. Qua đó, ngành GD&ĐT, các địa phương đã có biện pháp tăng cường, củng cố lại việc dạy và học môn lịch sử .

Dù đã 30 năm trôi qua, thế hệ chúng tôi vẫn còn nhớ mãi những tiết học lịch sử thời đó. Lũ học trò chúng tôi thích thú nghe cô giáo dạy môn sử kể về những trận đánh hào hùng, mưu trí của Ngô Quyền, của Quang Trung Nguyễn Huệ, chuyện về Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân..., chuyện Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, ý nghĩa lịch sử của Cách mạng Tháng Tám 1945, Chiến dịch Điện Biên Phủ, cuộc tổng tiến công Đại thắng mùa xuân 1975...

Chúng tôi say sưa nghe như nuốt từng lời của cô giáo và càng nghe càng thấy yêu quê hương đất nước của mình hơn, càng thấy tự hào với lịch sử hơn 4.000 năm dựng nước và giữ nước của cha ông ta. Từ đó có thêm nghị lực và niềm tin để vượt qua những khó khăn trở ngại chung tay, góp sức xây dựng đất nước ngày càng văn minh, giàu đẹp hơn. Và từ đó mới thấy việc dạy và học môn lịch sử quan trọng như thế nào, mới thấy trân trọng số ít những nhà làm phim chấp nhận  bù lỗ cho những bộ phim lịch sử Việt Nam hiếm hoi gần đây như Về đất Thăng Long, Long thành cầm giả ca... để góp phần nhắc nhở người Việt chúng ta phải biết và phải nhớ sử Việt, chứ nếu không con em chúng ta sau này có thể lại am hiểu lịch sử của Trung Quốc, của Hàn Quốc hơn là lịch sử Việt Nam. Bác Hồ kính yêu cũng đã dạy: “Dân ta phải biết sử ta. Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam...”, vậy mà đối với một cuộc thi quan trọng như kỳ thi tốt nghiệp THPT môn học lịch sử không được chọn là môn thi chính thức và bắt buộc, thật là đáng buồn!

VÕ HƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên