Đánh thức “tinh hoa” đất Thủ

Cập nhật: 16-09-2023 | 09:03:18

Không chỉ được mệnh danh là “thủ phủ” công nghiệp của cả nước, Bình Dương còn tự hào có những làng nghề truyền thống đã tồn tại hàng trăm năm, từng vang danh xứ người. Các làng nghề không chỉ hội tụ tinh hoa văn hóa dân tộc mà còn chứa đựng những giá trị về cảnh quan thiên nhiên và lịch sử vùng đất. Bởi thế, tên nghề đã gắn chặt với tên làng, in đậm dấu ấn văn hóa một thời như sơn mài Tương Bình Hiệp, gốm sứ Lái Thiêu, Tân Phước Khánh...

Hình thành từ hàng trăm năm trước, qua bao biến thiên lịch sử, các làng nghề truyền thống ở Bình Dương vẫn tồn tại và phát triển cho đến ngày nay. Tuy nhiên, dù đã một thời hưng thịnh nhưng ngày nay, với sự phát triển của nền kinh tế thị trường và công nghiệp hiện đại, nhu cầu tiêu dùng thay đổi, các làng nghề truyền thống đang gặp phải khó khăn trước sức ép cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu, sản phẩm công nghiệp giá rẻ. Cùng với đó, sự thiếu hụt nguồn nhân lực, việc tiếp cận vốn, công nghệ... đang là những nguyên nhân khiến các làng nghề dần mai một. Trong “sóng gió” ấy, bằng tình yêu và trách nhiệm, nhiều nghệ nhân tài hoa, tâm huyết không chỉ duy trì mà còn phát triển được các cơ sở làng nghề, xây dựng nên thương hiệu uy tín với chất lượng cao, khẳng định được vị thế trên trường quốc tế. Tiêu biểu nhất là Nghệ nhân Nhân dân Lý Ngọc Minh, người đã làm nên thương hiệu Gốm sứ Minh Long I nổi tiếng khắp trong nước và trên thế giới.

Thời gian qua, Bình Dương đã luôn quan tâm, chú trọng phát triển các làng nghề truyền thống gắn với du lịch để đánh thức “tinh hoa” bằng các việc làm thiết thực. Đề án “Bảo tồn và phát triển làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp kết hợp du lịch” là một minh chứng cho sự quan tâm đó, nhằm lưu giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Đây được xem là hướng đi triển vọng, mở ra nhiều cơ hội để thúc đẩy phát triển sản xuất các sản phẩm làng nghề truyền thống, vừa thu hút khách du lịch, tạo ra các giá trị gia tăng khác.

Để đề án mang lại hiệu quả thiết thực, bên cạnh những chuyến khảo sát tình hình thực tế, kịp thời động viên các nghệ nhân, các cơ sở nỗ lực vượt khó, lãnh đạo tỉnh còn chỉ đạo các cơ quan, địa phương liên quan xem xét kỹ các nội dung, hạng mục xây dựng đề án phù hợp; đồng thời, nghiên cứu áp dụng các chính sách của Đảng, Nhà nước đối với làng nghề, tạo thuận lợi hơn nữa để làng nghề tiếp tục phát triển sản xuất, kinh doanh vừa bảo tồn và phát huy được các giá trị văn hóa vùng đất Thủ.

 K.TÂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=647
Quay lên trên