Kỳ 2: Nâng cao chất lượng giáo dục đại học
Thực hiện nhiệm vụ nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo (GD-ĐT), Bình Dương đã tập trung thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT trên tất cả các cấp học và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Trong đó, bậc đại học (ĐH) đã tập trung đào tạo đội ngũ người lao động đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu và có trình độ cao để đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh, trong đó có nhiệm vụ xây dựng thành phố thông minh (TPTM).
Học sinh lớp 12 và phụ huynh tham quan, tìm hiểu môi trường học tập ở trường Đại học Việt Đức
Xác định đúng vai trò then chốt
Bình Dương là tỉnh có tốc độ phát triển công nghiệp nhanh nằm trong tốp đầu cả nước và đang phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp, khoa học công nghệ của cả nước vào năm 2030. Bình Dương cũng đang tập trung các nguồn lực nhằm hiện thực hóa mục tiêu trở thành TPTM. Để thực hiện mục tiêu này, cùng với nhiều yếu tố khác, tỉnh cần có nguồn nhân lực chất lượng cao, đủ sức đảm đương các nội dung nhiệm vụ theo yêu cầu. Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Phong, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết đối với ngành GD-ĐT, nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng hàng đầu trong tổ chức hoạt động dạy học và nâng cao chất lượng giáo dục. Ngành GD-ĐT phải bảo đảm việc chuẩn bị đủ các điều kiện đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh nhà, trong đó chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao giữ vai trò quan trọng.
Để có được nguồn nhân lực chất lượng cao, từ nền tảng nguồn lực ở bậc phổ thông, các trường ĐH có nhiệm vụ tạo ra đội ngũ người lao động đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu và có trình độ cao. Để thực hiện tốt trọng trách được xã hội đặt ra, các trường ĐH trong tỉnh được đầu tư cơ sở vật chất khang trang, hiện đại, từ giảng đường, phòng thí nghiệm, phòng thực hành đến trang thiết bị phục vụ đào tạo. Cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh nói riêng, cả nước nói chung, các trường còn đổi mới phương thức đào tạo gắn với thị trường, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và mục tiêu xây dựng TPTM của tỉnh.
Với trường ĐH Quốc tế Miền Đông, trường đào tạo các ngành nghề dựa trên nhu cầu cấp thiết của xã hội. Với lợi thế là trường được thành lập bởi doanh nghiệp, trường hiểu rõ những yêu cầu mà doanh nghiệp cần, từ đó chương trình đào tạo được xây dựng trên cơ sở gắn kết với thực tiễn. Có thể nói, ĐH quốc tế Miền Đông là trường đi đầu trong thực hiện liên kết 3 nhà: Nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp để xây dựng TPTM Bình Dương.
Sẵn sàng thực hiện vai trò nhà tri thức trong xây dựng TPTM Bình Dương, trường ĐH Thủ Dầu Một đã xây dựng đội ngũ các nhà nghiên cứu mạnh trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực khoa học - công nghệ; kết nối các trường ĐH, các nhà khoa học trên thế giới và Việt Nam trong thực hiện các đề tài về TPTM, chuyển đổi số. Bên cạnh đó, trường đầu tư hệ thống trang thiết bị hiện đại để cung cấp vật lực tương xứng cho hoạt động đào tạo, quản lý và nghiên cứu khoa học, như: Trung tâm dữ liệu lớn (big data), phòng lab cộng đồng, hệ thống nông nghiệp công nghệ cao, trường quay phục vụ tư vấn trực tuyến và dạy học online, hệ thống dạy học E-learning…
Các trường cùng nhập cuộc
Hiện nay, sự phát triển thần tốc của công nghệ và những tác động khó dự đoán được từ tự nhiên, nhu cầu đổi mới trong giảng dạy tại các tổ chức giáo dục ngày càng trở nên cấp thiết. Với trường ĐH Việt Đức (VGU), nhờ vào lợi thế hợp tác cùng các trường ĐH hàng đầu của Cộng hòa Liên bang Đức, các chương trình giảng dạy luôn được cập nhật mới, hiện đại. Bên cạnh đó, nhà trường cũng luôn thay đổi, nghiên cứu từ thực tế cũng như lý thuyết để bảo đảm theo kịp sự phát triển về mặt quản lý đào tạo. Điển hình là trong năm 2020, VGU đã triển khai xây dựng Dự án “Hệ thống quản lý tích hợp” (ICMS). Dự án được triển khai dựa trên nhu cầu về quản lý tích hợp các hoạt động đào tạo, giảng dạy, quản trị hành chính - nhân sự cũng như tài chính của nhà trường.
Thầy Hà Thúc Viên, Phó Hiệu trưởng VGU, thông tin đây là công cụ toàn diện và minh bạch giúp nhà trường đưa ra những quyết định chiến lược. Sau khi đi vào hoạt động, hệ thống ICMS sẽ giúp VGU quản lý tổng thể các hoạt động trên nền tảng số, bao gồm: Quá trình học tập của sinh viên, học viên từ khi ứng tuyển cho tới sau khi tốt nghiệp, hoạt động tài chính - kế toán, hoạt động nhân sự và tài liệu hành chính. Hệ thống được kỳ vọng giúp VGU không chỉ tiêu chuẩn hóa môi trường đào tạo và quản lý, mà còn hướng đến phát triển trường theo tiêu chuẩn trường học thông minh trên thế giới.
Với trường ĐH Thủ Dầu Một, theo thầy Ngô Hồng Điệp, Phó Hiệu trưởng nhà trường, để hòa nhập với giáo dục ĐH khu vực ASEAN và quốc tế, cũng như đáp ứng xây dựng TPTM, trường đã và đang nỗ lực đổi mới toàn diện cả về nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy và quản trị ĐH. Các chương trình đào tạo được sửa đổi theo hướng hợp tác đa ngành, có đối sánh với chương trình của các ĐH tiên tiến trong khu vực ASEAN, kết hợp giữa công nghệ hiện đại và tư duy mới. Hoạt động dạy và học từng bước được điều chỉnh linh hoạt cho phù hợp với những thay đổi nhanh chóng của môi trường giáo dục ĐH với việc kết hợp dạy và học trên lớp, dạy và học trực tuyến qua hệ thống E-Learning, dạy và học qua thiết bị thông minh, mô hình, mô phỏng.(Còn tiếp)
HỒNG THÁI