Đào tạo nhân lực phải gắn với nhiều khía cạnh

Cập nhật: 12-08-2011 | 00:00:00

Phải nhìn nhận rằng, thực trạng mà các tỉnh, thành miền Đông Nam bộ đang vướng không chỉ thiếu NNL mà còn là chỗ ở cho người lao động. Ai cũng đều biết, miền Đông Nam bộ là khu vực phát triển kinh tế trọng điểm, trong đó nổi bật nhất là kinh tế công nghiệp. Riêng về lĩnh vực này, hàng năm khu vực Đông Nam bộ đã tạo ra nhu cầu lao động ngày càng cao. Cũng vì lẽ đó, người lao động các tỉnh đổ về tìm việc làm và sinh sống ngày càng đông.

Theo phân tích của các nhà chuyên môn, vấn đề thiếu NNL bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó do thiếu chiến lược đầu tư cơ sở hạ tầng, thiếu quy hoạch lâu dài và chưa đưa ra dự báo tốt về tỷ lệ cung và cầu để định hướng đào tạo. Vì vậy, nhiều tỉnh chạy vạy, tuyển mộ lao động dôi dư từ các tỉnh khác đã tạo thêm áp lực về chỗ ở cho lao động nhập cư.

Nhân lực là yếu tố nền tảng, then chốt của sự phát triển. Việc quy hoạch và phát triển nhân lực phải được tính toán, nghiên cứu và thực thi trên cơ sở phải gắn cung với cầu và mối liên kết 4 nhà phải luôn thắt chặt bền vững. Cái chính mà ngay từ bây giờ, chúng ta cần phải tính đó là ưu tiên đào tạo lao động chất lượng cao. Theo đó, mỗi tỉnh cũng nên làm tốt công tác dự báo, tổng hợp nhu cầu sử dụng lao động theo ngành nghề, cấp trình độ, địa bàn, làm cơ sở định hướng để phát triển đào tạo, dạy nghề phù hợp trong từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội. Và nhất thiết khi đào tạo nhân lực, mỗi tỉnh phải theo đơn đặt hàng, có địa chỉ, nghề nghiệp mà doanh nghiệp cần. Bởi trên thực tế đã có lúc, Bình Dương và TP.HCM luôn chịu sức ép nguồn lao động nhập cư trong tình trạng căng thẳng về chỗ ở và nơi gửi con người lao động.

Con số thống kê của Tổng cục Dạy nghề thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết khu vực miền Đông Nam bộ hiện có 173 cơ sở dạy nghề, trong đó nhiều nhất là TP.HCM với 79 cơ sở, ít nhất là Bình Phước với 7 cơ sở. Các cơ sở dạy nghề trong vùng vốn đã thiếu lại còn yếu. Vì thế, Quy hoạch phát triển nhân lực của vùng đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 sẽ có 308 cơ sở và năm 2020 sẽ có 365 cơ sở dạy nghề.

Để mục tiêu trở thành hiện thực, các tỉnh, thành miền Đông Nam bộ phải xem đây là chiến lược lâu dài và phải thực hiện cho bằng được. Thế nhưng trước mắt, mỗi tỉnh, thành khi quy hoạch, đào tạo NNL, dứt khoát phải gắn với hạ tầng, chỗ ở, mức lương cho người lao động như ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã chỉ đạo tại hội thảo về Quy hoạch phát triển nhân lực khu vực miền Đông Nam bộ tổ chức vừa qua.

 

MAI HUY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên