Bài 12: Góp công làm nên chiến thắng
Vượt qua gian khổ hy sinh, trong những tháng ngày nóng bỏng của cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước, cùng với các đơn vị vũ trang khác, Đại đội Nữ pháo binh Bến Cát (C5) hăm hở bước vào cuộc chiến với khí thế như thác đổ, gặt hái được nhiều chiến công hiển hách.
Các cựu chiến binh C5 trở lại thăm chiến trường xưa tại xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng
Chiến đấu ngoan cường
Với sức mạnh và ý chí chiến đấu ngoan cường, C5 đã đập tan bộ máy kìm kẹp, khủng bố, đàn áp của địch ở Bến Cát, phối hợp cùng các đơn vị khác bẻ gãy các cuộc hành quân, phá vỡ từng mảng ấp chiến lược, đồn bốt của địch, gây cho chúng nhiều tổn thất nặng nề. Chiến công mở đầu của C5 là diệt gọn tua Suối Tre (Mỹ Phước). Trong trận đánh này, C5 nhận được sự phối hợp nhịp nhàng với các đơn vị bạn. Chiến thắng của trận đánh đã làm nức lòng quân dân Bến Cát, qua đó khẳng định sức mạnh chiến đấu của C5, là bước đệm quan trọng để C5 tiếp tục tạo nên những chiến công về sau.
Qua một thời gian ngắn, C5 ngày càng lớn mạnh, lúc này số lượng nữ có khi lên đến 67 đội viên. Những nữ chiến sĩ pháo binh trung kiên ấy tỏ ra xuất sắc trong đấu tranh chính trị với địch, giành đất, giành dân, động viên và cùng sản xuất với dân để tự túc lương thực, thực phẩm, đưa dân về đất cũ làm ăn. Trong công tác dân vận, C5 đi sâu phát động và tuyên truyền trong quần chúng, gài cơ sở nội tuyến để nắm bắt tình hình của địch; tổ chức du kích mật, thông báo những tin tức mới trong từng ấp. Quyết tâm sắt đá của các chiến sĩ C5 được thể hiện trong từng tình huống chiến đấu từ lúc thành lập đến khi kết thúc vai trò lịch sử.
Từ năm 1968 cho đến chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, C5 đã cùng với các đơn vị địa phương giành nhiều chiến công lớn rất đáng tự hào. Điểm nổi bật của C5 là cách đánh trinh sát đặc công phá ấp chiến lược và đặc biệt là bẻ gãy rất nhiều cuộc càn của địch. Nhớ về những tháng ngày chiến đấu, bà Nguyễn Thị Hạnh, nguyên Đại đội trưởng C5 cho biết: “Tuy là nữ nhưng chị em làm công tác trinh sát cũng không thua gì nam giới, thậm chí có những trận, chỉ có chị em mới có thể làm được công tác trinh sát nhờ sự khéo léo của người phụ nữ. Trưởng thành qua rèn luyện và chiến đấu, C5 nhiều năm xuất hiện nhiều chiến sĩ thi đua xuất sắc. Tinh thần đoàn kết, chiến đấu, gắn bó với nhân dân không ngừng được nâng lên”.
Trong suốt quá trình chiến đấu của mình, C5 đã để lại những hình ảnh không thể nào quên. Vào tháng 3-1968, khẩu đội cối 60 ly đã nhả đạn đúng vào cánh quân ngụy chi viện cho chi khu Bến Cát. Ta diệt được 17 tên, làm tê liệt sức chiến đấu của chúng, tạo cơ hội cho quân dân ta tiến công vào chi khu quận, cả khẩu đội được cấp trên tặng bằng khen. Sau đó, tháng 6-1968, trong suốt 29 ngày đêm, C5 đã liên tục chiến đấu phá vòng vây địch. Do có 2 tên phản bội từ trong căn cứ ra đầu hàng giặc nên chúng đã biết được tình hình C5 đang thiếu đói, bệnh tật, bị thương và nhiều nữ đồng chí trong đại đội này đang đi công tác nên đội còn lại rất ít người. Nắm được tình hình này, địch đã huy động 2 tiểu đoàn bộ binh, 2 chi đoàn xe cơ giới, 2 máy bay oanh tạc và pháo binh yểm trợ chia làm nhiều cánh đánh vào căn cứ và các đơn vị vũ trang của ta. Bên ta chủ động phòng thủ và tổ chức hợp đồng các đại đội nam với đại đội nữ tiến công phá tan những trận thế vây hãm của địch. Các khẩu đội pháo C5 thi nhau rót đạn vào đầu bộ binh địch và chặn đường tiến lên của cơ giới, tạo điều kiện cho các lực lượng tổ chức chiến đấu tiêu hao lực lượng chúng.
Bà Nguyễn Thị Hạnh xúc động nhớ lại: “Năm 1968, C5 tổ chức một tiểu đội phối hợp với một bộ phận của đại đội hóa trang mai phục ấp chiến lược Lò Than, xã Mỹ Phước. Cuộc chiến đấu diễn ra giằng co từ 14 giờ đến 17 giờ. Tiểu đội nữ đã chiến đấu dũng cảm, bẻ gãy 7 đợt phản công của địch. Trong quá trình chiến đấu, hai nữ đồng chí Yến và Giang bị thương nặng. Thấy vậy địch gọi chiêu hồi nhưng đồng chí Giang vẫn trả lời đanh thép: “Đừng gọi chiêu hồi mất công! Đội nữ vũ trang Bến Cát chỉ biết diệt địch, không biết chiêu hồi”. Nghe vậy địch tàn ác ùa vào. Chị Giang trước khi hy sinh vẫn dùng hết sức phang cây súng hết đạn vào địch, chị Yến thì chiến đấu đến viên đạn cuối cùng…”.
Xứng danh đơn vị anh hùng
Trải qua những năm tháng chiến đấu, C5 đã tham gia hơn 171 trận đánh lớn, nhỏ, làm tiêu hao và tiêu diệt gần 500 tên giặc, thu 82 súng các loại. Các trận đánh đã gắn liền với tên của C5 như trận phối hợp đánh vào chi khu Bến Cát ngày 15-3-1968; trận đánh diệt ấp chiến lược Lò Than, tham gia cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử… Thực tiễn chiến đấu, sản xuất và tinh thần đoàn kết trong đơn vị anh hùng này đã chứng minh rằng, những người nữ pháo binh Bến Cát có một sức mạnh tinh thần không thua gì nam giới, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp kháng chiến, với nhân dân, với Đảng, không sợ gian khổ hy sinh. Trận cuối cùng của C5 tiến công dồn dập vào thị trấn Bến Cát vào tháng 4-1975. Đạn cối 60 ly, 82 ly đã dồn dập nã vào đầu giặc khiến chúng bạt vía kinh hồn, góp công cùng các lực lượng khác làm nên chiến thắng mùa xuân lịch sử.
Với những chiến công vang dội, năm 1969, C5 đã được tặng danh hiệu “Đơn vị thành đồng quyết thắng”. Từ năm 1968 đến 1972, C5 liên tục được tặng cờ thi đua của Hội Liên hiệp Phụ nữ giải phóng miền Nam. Ngày 28-10-1970, các chiến sĩ C5 đã bắn rơi 2 máy bay Mỹ bằng súng AK và diệt nhiều tên địch... Ngày 20-10-1976, C5 được trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng với quê hương, đất nước, hòa bình thống nhất, những nữ chiến sĩ C5 lại quay về làm thiên chức của người phụ nữ. Trải qua hơn 40 năm, những chiến công của C5 vẫn vang dội và sẽ còn mãi mãi được nhắc tới.
Bài 13: Bến Tượng - dấu ấn còn ghi
CAO SƠN - KIẾN GIANG