Bài 13: Bến Tượng - dấu ấn còn ghi!
Chúng tôi tìm đến ấp Bến Tượng, xã Lai Hưng, huyện Bàu Bàng nơi trước đây Mỹ - ngụy chọn làm điểm xây dựng mô hình ấp chiến lược “kiểu mẫu” vào một buổi trưa nắng gắt. Những vườn cao su xanh tươi phủ kín hầu hết diện tích đất sản xuất trong ấp, cuộc sống của người dân đang đổi thay từng ngày khiến chúng tôi quên đi cái nắng nóng miền đông. Thời gian đã trôi qua trên 50 năm, xóa bỏ hầu hết các vết tích của ấp chiến lược ngày xưa nhưng trong ký ức của nhiều người, cuộc đấu tranh chống lại sự kìm kẹp của địch nơi ấp chiến lược này thì vẫn còn âm vang mãi.
Ấp chiến lược “kiểu mẫu” Bến Tượng do chính quyền Ngô Đình Diệm dựng lên Ảnh: T.L
Ngày 3-2-1962, chính quyền Ngô Đình Diệm thành lập Ủy ban liên bộ về ấp chiến lược gồm các tướng lĩnh, chính khách cao cấp trong chính quyền ngụy. Ủy ban này trực tiếp phụ trách xây dựng hàng loạt các ấp chiến lược ở nông thôn theo kế hoạch “bình định châu thổ” và sau này, chương trình ấp chiến lược được Ngô Đình Diệm nâng lên thành “quốc sách”. Kế hoạch “ấp chiến lược” được thực hiện thí điểm đầu tiên ở Bến Cát với chiến dịch “Mặt trời mọc” quy dân, lập ấp ở Bến Cát bắt đầu lúc 7 giờ 30 phút sáng ngày 22-3-1962. Địa điểm đầu tiên được chọn là ấp Bến Tượng (nay thuộc xã Lai Hưng, huyện Bàu Bàng). Mục tiêu đầu tiên của chúng là gom dân dọc theo các vùng đất thuộc suối Ba Thê, suối Bài Chùa, suối Ông Tề, suối Ông Chương, suối Bông Trang, suối Bến Tượng, suối Khoai. Thực hiện cuộc gom dân, chúng sử dụng một lực lượng gồm 4 đoàn với 141 tên. Trung đoàn 8 ngụy làm nhiệm vụ hỗ trợ cuộc gom dân này. Chúng tiến hành chính sách đốt sạch nhà cửa người dân để dân không thể quay về. Công tác gom dân hoàn tất trong ngày 26-3-1962. Dân số trong ấp là 968 người gồm 201 gia đình, trong đó có 100 gia đình nông nghiệp, 63 là lâm nghiệp và chăn nuôi, còn lại là công nhân đồn điền cao su. Lực lượng bảo vệ ấp gồm 2 đại đội bảo an, 1 phân đội thiết giáp. Ngoài ra, còn có 80 nam nữ công chức, 1 bác sĩ, 8 điều dưỡng viên của chế độ cũ, 6 xe ủi, 4 xe chứa nước, 82 xe bò, 50 phu công chánh phục vụ việc gom dân. Tính trung bình, một người dân thì có một tên địch kìm kẹp ngày, đêm. Với cách đó, chúng hy vọng tách dân ra khỏi cách mạng… Ngày 9-5-1962, đích thân Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Robert Mc Namara và Ngô Đình Diệm đến kiểm tra và tỏ ra hài lòng trước sự kiên cố của ấp chiến lược này. Tháng 6-1963, Ngô Đình Diệm và các quan chức ngụy quyền rầm rộ kéo đến làm lễ khánh thành. Bọn chúng huênh hoang tuyên truyền ấp chiến lược kiểu mẫu này là “thiên đường của quốc gia”.
Ấp chiến lược “kiểu mẫu” này có chu vi 8km, hệ thống hàng rào kẽm gai dày đặc. Địch quyết tâm xây dựng nơi đây thành nơi thí điểm kiểu mẫu cho cả miền Đông Nam bộ nhằm kìm kẹp, kiểm soát chặt chẽ nhân dân, thực hiện “tát nước bắt cá”. Ngay sau khi hình thành ấp chiến lược Bến Tượng, địch thành lập 5 trại tạm trú di dân, bố trí thành 5 nhóm phục vụ: Bảo an lo tổ chức việc an ninh, y tế lập trại cứu thương, dinh điền lo ủi đất làm nền nhà, điền địa thì đo đất phân lô, công chánh lo chở nước, đào giếng, cung cấp xe vận tải... Mỗi người dân được cấp phát 600g gạo, kèm theo cá
Bà Nguyễn Thị Mới, người dân tại ấp Bến Tượng cho biết, dù ruộng vườn bị chất độc hóa học của Mỹ - Diệm hủy diệt nhưng đồng bào trong ấp chiến lược khi đó vẫn một lòng muốn thoát khỏi cảnh “cá chậu chim lồng”, sẵn sàng vùng lên để phá vòng kìm kẹp. Bên cạnh đó, đồng bào trong ấp chiến lược cũng rất có lòng tin về chiến thắng của cách mạng, mong muốn được trở về để giúp đỡ cho cách mạng… |
khô, nước mắm và muối. Mỗi gia đình được cung cấp một bộ nông cụ gồm rựa, cưa, cuốc, xẻng... Bà Nguyễn Thị Trang, một người dân tại ấp Bến Tượng nhớ lại, trong ấp chiến lược, mọi hành động của người dân đều bị chúng kiểm soát gắt gao. Người dân muốn đi vào hay ra ấp chiến lược này đều phải trình báo và bọn chúng cũng không cho về ruộng vườn cũ, chúng đổ nước vào gạo rồi phát cho các hộ dân để không tiếp tế cho bộ đội của ta được.
Trước hành động trấn áp của địch, ngay từ đầu nhân dân ấp Bến Tượng đã có ý thức đoàn kết chống càn quét, chống dồn dân lập ấp. Khi bị gom vào ấp chiến lược, đồng bào ta trong ấp chiến lược vẫn kiên trì, bền bỉ đấu tranh với địch bằng nhiều hình thức. Từ những cuộc đấu tranh tâm lý đến những cuộc biểu tình đông đảo gay go, đầy gian nan khó nhọc và hy sinh vì bị địch đàn áp, đánh đập giam cầm, tù đày. Ngay trước ngày khánh thành ấp chiến lược, để tô vẽ cho “bộ mặt thiên đường” này, bọn tay sai chỉ đạo làm ấp chiến lược đi mua cây giống, hoa, cây cảnh về buộc dân phải trồng. Đồng bào trong ấp chiến lược cũng trồng nhưng không tưới. Bọn tề ấp đi từng nhà cự nự nhưng bà con đấu tranh quyết liệt bằng những lý lẽ xác đáng khiến bọn chúng đành nhượng bộ. Đến ngày lễ khánh thành, cây cảnh héo khô làm cho bộ mặt ấp chiến lược “thiên đường” càng thêm tệ hơn. Một lòng đoàn kết, đồng bào trong ấp chiến lược đã vượt qua khó khăn, tiếp tục kết nối và tiếp tế cho các lực lượng ta ở bên ngoài.
Bà Nguyễn Thị Mới, người dân tại ấp Bến Tượng cho biết, dù ruộng vườn bị chất độc hóa học của Mỹ - Diệm hủy diệt nhưng đồng bào trong ấp chiến lược khi đó vẫn một lòng muốn thoát khỏi cảnh “cá chậu chim lồng”, sẵn sàng vùng lên để phá vòng kìm kẹp. Bên cạnh đó, đồng bào trong ấp chiến lược cũng rất có lòng tin về chiến thắng của cách mạng, mong muốn được trở về để giúp đỡ cho cách mạng.
Từ cảnh bị kìm kẹp nơi ấp chiến lược cùng với tình yêu xóm làng, quê hương, những cuộc đấu tranh của đồng bào từ bước đầu còn nhỏ lẻ, tự phát, về sau càng bùng phát mạnh mẽ, đạt kết quả cao do được đặt dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng tại địa phương. Tất cả đã góp phần làm vỡ tan các ấp chiến lược mà địch hô hào là “kiểu mẫu”, là “thiên đường của quốc gia”, tạo nên những dấu ấn sâu đậm về tinh thần đấu tranh bất khuất của quân và dân Bình Dương trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Bài 14: Vùng lên phía trước
CAO SƠN - KIẾN GIANG