Dấu ấn công tác dân vận

Cập nhật: 14-10-2010 | 00:00:00

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy chúng ta rất nhiều điều bổ ích về công tác vận động quần chúng. Theo Bác thì “Dễ mười lần không dân cũng chịu...”, vì vậy việc vận động nhằm tạo sự đồng thuận trong nhân dân là vô cùng quan trọng, là “chìa khóa” để thực hiện thành công mọi chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong mọi bối cảnh, thời đại.

Thời chiến tranh, công tác vận động quần chúng đã khó, trong bối cảnh hiện nay công tác vận động quần chúng còn khó khăn hơn. Thời chiến người ta sẵn sàng hy sinh cả bản thân vì hòa bình của đất nước, độc lập của dân tộc nên công tác dân vận tuy quan trọng nhưng không quá khó, vì người dân một khi đã không tiếc máu xương thì còn nề hà gì của cải vật chất và họ sẵn sàng cống hiến tất cả vì lợi ích chung của đất nước, dân tộc. Thời nay, xã hội đã thay đổi, sự phân hóa giàu nghèo ngày càng nặng nề, khoảng cách giàu nghèo ngày càng giãn rộng kéo theo suy nghĩ của người dân cũng khác xưa. Trong bối cảnh nhà nhà đua nhau làm giàu, người người thi nhau chạy theo đồng tiền và giá trị con người được đong đếm bằng vật chất thì công tác vận động tìm kiếm tiếng nói chung trong nhiều giai tầng xã hội là điều còn “khó hơn lên trời”!

Khó khăn là vậy nhưng công tác dân vận hầu như có mặt khắp nơi, trong mọi tổ chức, mọi phong trào hành động cách mạng tại các địa phương và đem lại nhiều kết quả lớn. Điểm thành công nhất của công tác dân vận trong những năm gần đây là tập trung hướng mạnh về cơ sở, gần dân, tích cực giải quyết các vấn đề bức xúc của dân, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Chính vì vậy mà công tác dân vận đã tạo được dấu ấn trên mọi mặt đời sống, xã hội. Dấu ấn ấy có thể dễ dàng nhận thấy trong tất cả các tổ chức chính trị, đoàn thể, các phong trào tại địa phương.

Để hình thành một con đường giao thông nông thôn không thể thiếu công tác vận động quần chúng nhằm giải phóng mặt bằng, hiến đất, đóng góp tiền của để thực hiện; để xây dựng một ngôi nhà tình thương không thể thiếu việc vận động các nhà hảo tâm ủng hộ kinh phí; để ủng hộ đồng bào các tỉnh miền Trung khắc phục hậu quả lũ lụt không thể thiếu công tác vận động nhân dân đóng góp tiền của, vật chất... Dấu ấn ấy còn lớn hơn rất nhiều trong các phong trào của các tổ chức đoàn thể thanh niên, phụ nữ, hội nông dân, hội cựu chiến binh... Những phong trào mà hiệu quả đem lại là cơm áo, nhà ở cho hàng ngàn người nghèo trong và ngoài tỉnh.

Từ những dấu ấn của công tác dân vận mới thấy hết ý nghĩa sâu sắc bài học lấy dân làm gốc. Có dân là có tất cả, được lòng dân là được tất cả và khi dân đồng tình thì việc gì khó mấy cũng có thể giải quyết được. Chính vì vậy mà câu nói: “Dễ mười lần không dân cũng chịu...” của Bác vẫn mãi còn nguyên giá trị.

LÊ QUANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên