Hẳn những ai từng bị “hành” vì sổ hộ khẩu sẽ vô cùng sung sướng khi nghe thông tin thẻ căn cước công dân có thể thay thế sổ hộ khẩu nhằm đơn giản hóa thủ tục, giấy tờ công dân. Đây chính là nội dung của dự thảo Luật Căn cước công dân vừa được Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam trình bày trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 12-3 vừa qua. Dự án Luật Căn cước công dân sẽ được chính thức trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tháng 5 tới đây và nếu được Quốc hội thông qua tại kỳ họp cuối năm thì luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2015.
Mặc dù chưa thống nhất về tên gọi là Thẻ căn cước hay Chứng minh nhân dân (CMND), nhưng theo dự thảo Luật Căn cước công dân, cơ sở dữ liệu căn cước công dân hiện nay chủ yếu được lưu trữ thủ công, không được kết nối, chia sẻ thông tin với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; việc cấp, quản lý, sử dụng CMND chưa đáp ứng được yêu cầu đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và thực hiện chính phủ điện tử. Do vậy, một trong những yêu cầu đặt ra cho luật này là các thông tin trên thẻ cần được nghiên cứu, quy định để có thể tiến tới bỏ sổ hộ khẩu, đơn giản hóa giấy tờ cho công dân.
Theo Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam, CMND là thẻ căn cước của công dân Việt Nam và là giấy tờ tùy thân duy nhất có giá trị chứng nhận căn cước của người từ 15 tuổi trở lên, để sử dụng trong giao dịch, đi lại trên lãnh thổ Việt Nam. Dự thảo luật quy định về nội dung CMND phải phản ánh được các thông tin cơ bản về căn cước của công dân phục vụ cho giao dịch, đi lại nhưng vẫn bảo đảm bí mật đời tư cá nhân. Trên CMND cũng có thông tin về họ và tên khai sinh, họ và tên gọi khác, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, dân tộc. Các thông tin này được tích hợp từ giấy khai sinh và các giấy tờ liên quan khác nên công dân có thể sử dụng CMND để chứng minh các thông tin này mà không cần các giấy tờ khác. Trên CMND còn có thông tin về nơi thường trú của công dân nên về lâu dài có thể nghiên cứu tiến tới dùng CMND thay cho sổ hộ khẩu.
Liên quan đến sổ hộ khẩu, lâu nay không ít trường hợp khi đến cơ quan công quyền để làm các loại giấy tờ đều bị đề nghị quay về nhà lấy sổ hộ khẩu. Có hộ khẩu thì địa phương mới chứng giấy tờ theo đơn! Đó là chưa kể có trường hợp vì lý do nào đó bị mất cả CMND và hộ khẩu, nhưng khi đi làm CMND điều kiện cần là phải có hộ khẩu, quay sang xin làm lại hộ khẩu thì bị buộc phải xuất trình CMND! Chuyện bỏ sổ hộ khẩu đã được bàn bạc nhiều trong những lần cải cách thủ tục hành chính và có lần được đưa lên bàn nghị sự của Quốc hội, nhưng mọi chuyện vẫn chưa ngã ngũ và người dân vẫn tiếp tục bị “hành” bởi sổ hộ khẩu!
Đặt dấu chấm hết cho hộ khẩu bằng thẻ căn cước công dân với dãy số định danh không thay đổi trong suốt cuộc đời như trình bày của dự thảo luật là mong mỏi của nhiều người. Do vậy, nếu dự thảo Luật Căn cước công dân được Quốc hội xem xét thông qua và có hiệu lực thì đây sẽ là bước tiến dài trong cải cách thủ tục hành chính, tiến tới Chính phủ điện tử, phù hợp với xu thế thời đại và nguyện vọng của đại đa số người dân.
LÊ QUANG