“Đau” cho ngành kiểm lâm

Thứ tư, ngày 06/08/2014

(BDO) Chuyện đưa - nhận hối lộ dư luận đã nghe nhiều, thấy nhiều nhưng điều đáng nói ở vụ việc này là nó không xảy ra ở rừng hay lén lút ở một nơi “bí mật” nào đó, mà ngay tại trụ sở của kiểm lâm.

Dư luận đã nhiều lần lên án các vụ lâm tặc chống trả lực lượng kiểm lâm đang làm nhiệm vụ bảo vệ rừng và tất nhiên những việc làm này của các kiểm lâm viên đã nhận được sự ủng hộ cao của dư luận. Nhưng đáng buồn là chính những người được giao trọng trách bảo vệ rừng lại đang tiếp tay cho những hành vi vi phạm pháp luật để trục lợi bất chính.
Còn nhớ, cách đây gần 3 năm tại Nghệ An đã xảy ra vụ xe chở gỗ lậu bị lật làm 10 người chết. Sự việc không chỉ dừng lại ở xử lý lỗi vi phạm của chủ xe mà đã vỡ ra sự liên quan của nhiều cán bộ kiểm lâm trên địa bàn. Điều đó cho thấy sự tiếp tay của các cán bộ kiểm lâm biến chất đã góp phần làm cho tài nguyên rừng của đất nước ngày càng cạn kiệt nhanh hơn.
Hậu quả của việc rừng bị tàn phá nhanh chóng trong những năm gần đây ai cũng thấy rõ: bão ngày càng mạnh về cường độ, sức tàn phá; lũ quét xuất hiện ngày càng dày hơn, mạnh hơn. Phá rừng chỉ để thu lợi bất chính cho một số người, trong khi thiệt hại với đất nước, với xã hội và người dân thì vô cùng lớn, không thể đong đếm bằng số liệu đơn thuần.
Ai cũng mong rừng được bảo vệ, bởi bảo vệ rừng là bảo vệ chính nguồn sống của con người, bảo vệ sự phát triển bền vững của đất nước. Nhưng, sự mong muốn đó sẽ không đi đến hồi kết tốt đẹp một khi vẫn còn những “con sâu” trong chính lực lượng kiểm lâm được giao nhiệm vụ bảo vệ, bảo tồn rừng. Vụ việc trên đây bị phát giác có lẽ cũng là đáp số cho một sự thật lâu nay dự luận quan tâm, bức xúc đó là có không ít cán bộ ngành kiểm lâm giàu lên nhanh chóng nhờ rừng.
Vị trạm trưởng kiểm lâm vi phạm pháp luật rồi sẽ bị pháp luật trừng trị, nhưng sẽ còn bao nhiêu vụ kiểu này xảy ra nữa? Rất khó trả lời cụ thể, nhưng chắc sẽ còn xảy ra nhiều nếu như không có sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng.


HOÀNG ANH