Đầu tư cải tạo, nâng cấp chợ Thủ Dầu Một: Cần phương án thiết kế phù hợp - Kỳ 2

Cập nhật: 23-04-2024 | 08:28:25

Kỳ 2: Phát triển hiện đại gắn với bảo tồn văn hóa

 Đã đến lúc cần có giải pháp căn cơ của các cấp, các ngành để triển khai xây dựng chợ Thủ Dầu Một, tránh việc ngày càng xuống cấp, ảnh hưởng đến bộ mặt đô thị TP.Thủ Dầu Một.

 Trách nhiệm theo phân quyền

Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Chí Thành, Phó Chủ tịch UBND TP.Thủ Dầu Một, cho biết: “Theo phân quyền của UBND tỉnh, trách nhiệm cấp phép chủ trương xây dựng chợ Thủ Dầu Một thuộc quyền của UBND thành phố, thành phố ủng hộ phương án đầu tư của Công ty Cổ phần Thương mại - Dịch vụ đầu tư Thủ Dầu Một theo đúng tinh thần Quyết định 3027/QĐ- UBND của UBND tỉnh ngày 2-11-2012. Theo đó, đầu tư, cải tạo, xây dựng mới phải theo hướng văn minh, hiện đại, giữ nét truyền thống và phù hợp với quy hoạch của TP.Thủ Dầu Một”.

 Chợ Thủ Dầu Một xuống cấp, kinh doanh lộn xộn nhìn từ bên ngoài

“Để tiến hành việc cấp giấy phép thuê đất sử dụng, Công ty Cổ phần Thương mại - Dịch vụ đầu tư Thủ Dầu Một cần thực hiện đúng những trình tự kê khai với chính quyền các bước triển khai đầu tư xây dựng, phương án hoạt động”, ông Võ Chí Thành cho biết thêm.

Tại buổi làm việc với các sở, ngành về phát triển lĩnh vực công thương của TP.Thủ Dầu Một mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP.Thủ Dầu Một Võ Chí Thành kiến nghị các ngành cần sớm hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn của chợ Thủ Dầu Một để lựa chọn phương án đầu tư công trình mang đậm dấu ấn phát triển của địa phương. Trước kiến nghị này, ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương, cho biết trong thời gian tới sẽ phối hợp với các ngành, TP.Thủ Dầu Một để xem xét các khó khăn cụ thể, có hướng tham mưu giải quyết các vấn đề vướng mắc xung quanh việc đầu tư xây dựng chợ Thủ Dầu Một.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại - Dịch vụ đầu tư Thủ Dầu Một, cho biết phương án thiết kế chợ theo hướng bảo tồn nét kiến trúc cổ của chợ vòm, chợ đồng hồ; nâng cao chợ để có tầng hầm để xe, đưa tất cả hàng hóa vào trong chợ nhằm bảo đảm công tác chỉnh trang đô thị. Trong tháng 4 này, công ty sẽ chứng minh nguồn tiền để tiến hành các thủ tục xin phép đầu tư dự án.

Hài hòa trong phát triển

Trao đổi với chúng tôi, TS. Ngô Viết Nam Sơn cho biết khu vực chợ Thủ Dầu Một là một quần thể kiến trúc ven sông cần được bảo tồn. Chính vì thế khi chỉnh trang, quy hoạch cần xem xét yếu tố bảo tồn văn hóa và thực hiện đồng bộ. Đặc biệt, đối với khu vực ven sông cần quy hoạch đồng bộ khu nhà truyền thống, khu chợ, phố đi bộ, tuyến nhà phố ven sông, bến du thuyền. Tất cả cần được xem xét tổng thể, hài hòa phát triển trên nền tảng bảo tồn giá trị văn hóa đặc sắc của Bình Dương. Từ vòng xoay ngã sáu cần quy hoạch những tuyến đường xương cá dẫn ra bến Bạch Đằng - trở thành những tuyến đi bộ đến khu vực chợ Thủ và đường ven sông. Tuyến ven sông có thể phát triển khu vực chỉ ưu tiên đi bộ, xe đạp. Khu vực ven sông cần quy hoạch nhà cửa đồng bộ, phát triển các dịch vụ phục vụ du lịch.

 Khu ẩm thực chợ Thủ Dầu Một được đề xuất xây dựng thành mô hình kinh doanh hiện đại

“Đối với chợ Thủ Dầu Một, việc đầu tư xây dựng cần bảo tồn kiến trúc cũ, đồng thời phát triển mô hình kinh doanh thực phẩm theo hướng văn minh, hiện đại, phục vụ nhu cầu đời sống ngày càng cao của người dân cũng như khách du lịch. Đặc biệt, phát triển khu vực chợ ẩm thực như mô hình của người Nhật, đang được triển khai ở Aeon mall. Mô hình đó góp phần nâng cấp, phát triển kinh doanh ở ngôi chợ truyền thống gắn với lịch sử phát triển, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Bình Dương và cả định hướng phát triển du lịch”, chuyên gia quy hoạch đô thị Ngô Viết Nam Sơn chỉ rõ định hướng bảo tồn và phát triển chợ Thủ Dầu Một.

Ông Võ Chí Thành cho biết việc đưa ra phương án đầu tư chợ Thủ Dầu Một phải phân rõ từng hạng mục đầu tư xây dựng mới, hạng mục cải tạo, sửa chữa theo đúng tinh thần quyết định của UBND tỉnh. “Việc đầu tư xây dựng, nâng cấp cải tạo chợ Thủ Dầu Một là mong muốn của chính quyền địa phương, người dân thành phố. Công ty Cổ phần Thương mại - Dịch vụ đầu tư Thủ Dầu Một cần nộp thủ tục đầu tư để trình cơ quan có thẩm quyền xem xét phương án đầu tư, nâng cấp, cải tạo. Chúng tôi sẽ xem xét trên tinh thần nói đúng, làm đúng”, ông Thành quả quyết.

 Ban đầu chợ Thủ Dầu Một có tên là chợ Phú Cường gắn với địa danh Phú Cường xuất hiện vào khoảng năm 1840. Đến khoảng những năm 1935- 1940, chợ Thủ Dầu Một được đầu tư xây dựng theo kiểu hình chữ nhật gồm 3 khu nhà tách biệt nhau. Khu chợ Đồng Hồ có diện tích 2.590m2 có kiến trúc độc đáo nhất. Tháp đồng hồ có chiều cao hơn 23m, gồm 4 lầu. Trên đỉnh tháp gắn 4 chiếc đồng hồ bố trí theo 4 hướng Đông - Tây - Nam - Bắc. Tháp đồng hồ là nét đặc sắc trở thành hình ảnh quen thuộc với người dân Bình Dương.

 TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=757
Quay lên trên