(BDO) Chiều 4-12, tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế Horasis châu Á 2023 diễn ra phiên thảo luận “Đầu tư vào ASEAN” do bà Huỳnh Đinh Thái Linh, Giám đốc điều hành, Trung tâm Thương mại thế giới Thành phố mới Bình Dương chủ trì.
Phiên thảo luận “Đầu tư vào ASEAN”
Các diễn giả cho rằng, kể từ sau đại dịch Covid-19, thương mại toàn cầu đã phải hứng chịu nhiều trở ngại. Một sự chuyển dịch cơ cấu với việc người tiêu dùng gia tăng sử dụng dịch vụ thay vì hàng hóa và lạm phát tăng cao đã gây áp lực lên ví tiền của các nước phương Tây, từ đó tác động nặng nề lên các nhà xuất khẩu ASEAN.
Tuy nhiên, vốn đầu tư nước ngoài vào ASEAN vẫn là điểm sáng trong khu vực. Hiện ASEAN vẫn đang là khu vực hấp dẫn nhất đối với đầu tư nước ngoài. Điều này phản ánh niềm tin của nhà đầu tư vào triển vọng dài hạn của một nền kinh tế. Sự gia tăng vốn đầu tư nước ngoài một cách nhất quán là rất quan trọng để ASEAN nâng cao chuỗi giá trị và củng cố tầm quan trọng của trong thương mại toàn cầu.
Các đại biểu nêu ý kiến tại phiên thảo luận
Các diễn giả nhận định, thời gian qua Việt Nam đã nhận được dòng vốn đầu tư nước ngoài đáng kể, trở thành một ngôi sao đang lên trong chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu. Việt Nam đã nhanh chóng thăng hạng trong chuỗi giá trị, phát triển thành trung tâm lắp ráp điện tử quan trọng. Nhiều khoản đầu tư đã được đổ vào chuỗi cung ứng công nghệ, điện tử, bán dẫn tại Việt Nam. Đặc biệt, vốn đầu tư nước ngoài mới đổ vào lĩnh vực sản xuất đang gia tăng một cách đáng ngạc nhiên. Bất chấp suy thoái thương mại, xu hướng này mang lại hy vọng phục hồi cho Việt Nam sau đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, các diễn giả cũng cho rằng, vẫn còn rất nhiều thách thức trong thu hút đầu tư nước ngoài trong thời gian tới. Theo các diễn giả, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, cam kết về chiến lược ESG ( Environment - môi trường, Social - xã hội và Governance - quản trị doanh nghiệp), chiến lược Net Zero… đang là những thách thức trong đầu tư vào ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng.
Tại phiên thảo luận, bà Huỳnh Đinh Thái Linh đã giới thiệu về môi trường đầu tư tại Bình Dương, đặc biệt là thu hút đầu tư vào Khu công nghiệp khoa học công nghệ trên nền tảng công nghiệp 4.0. Khu liên hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị với tổng diện tích 4.196 ha bao gồm: Các khu công nghiệp công nghệ cao, khu thương mại, dịch vụ và các khu đô thị mới, trong đó có 1.000 ha được quy hoạch xây dựng và phát triển Thành phố mới Bình Dương.
Các khu công nghiệp của tỉnh đều được đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, thuận lợi cho các nhà đầu tư.
Tin, ảnh: Ngọc Thanh